Doanh nghiệp xã hội là gì? Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 28-04-2021 |
  • Doanh nghiệp , |
  • 317 Lượt xem

Khi nói đến doanh nghiệp người ta thường nghĩ ngay đến việc kinh doanh, kiếm tiền, thu lợi nhuận nhưng trên thực tế loại có một loại doanh nghiệp lập ra với mục đích vì cộng đồng, vì xã hội, không vì lợi nhuận- đó là Doanh nghiệp xã hội. Vậy Doanh nghiệp xã hội là gì? Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội như thế nào? Theo dõi bài viết nhé.

Quảng cáo

1. Những điều cần biết về doanh nghiệp xã hội

Một số điều cần biết về doanh nghiệp xã hội:

1.1. Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, với mục tiêu hoạt động là giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, mục tiêu hoạt động vì lợi ích của cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của mình để tái đầu tư, nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Doanh nghiệp xã hội hoạt động dưới một số hình thức như sau:

– Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, có thể kể đến như các nhóm tình nguyện, tổ chức, hiệp hội, trung tâm người khuyết tật, trung tâm người chung sống với HIV/AIDS,…

– Doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận, đây là loại mô hình mặc dù kinh doanh có lợi nhuận nhưng không bị chi phối về lợi nhuận hay đặt nặng vấn đề tài chính mà sẽ chú trọng đến mục đích chia sẻ các dự án vì cộng đồng, xã hội, môi trường. Hầu hết lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được dùng vào mục đích tái đầu tư hoặc trợ cấp cho các hoạt động sau.

– Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận, đây là doanh nghiệp do các cá nhân hay tổ chức thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, thường hay hoạt động dưới các hình thức của Công ty TNHH hay Công ty Cổ phần. Phần lợi nhuận thu được chủ yếu để dùng vào mục đích tái đầu tư, vì mục tiêu xã hội và môi trường hoặc để mở rộng phát triển xã hội.

1.2. Vai trò doanh nghiệp xã hội đối với xã hội

Doanh nghiệp xã hội có những vai trò to lớn đối với xã hội:

– Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt như: người khuyết tật, người bị HIV/AIDS, lao,…

– Tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân, cộng đồng yếu thế trong xã hội thông qua cầu nối là các doanh nghiệp xã hội, các chương trình đào tạo, cơ hội việc làm;

– Đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế…

– Đưa ra và giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như nạn đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em,…

doanh nghiệp xã hội là gì

2. Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội có những đặc điểm đặc thù khác biệt so với các hình thức kinh doanh khác, do đó các doanh nghiệp xã hội có những chiến lược để vận hành và quản lý doanh nghiệp cũng khác so với các doanh nghiệp hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Các đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp xã hội:

2.1. Hoạt động kinh doanh dựa trên các nguồn tài trợ

Doanh nghiệp xã hội mang lại những giá trị tốt đẹp đến với xã hội, góp phần làm nâng cao những giá trị tốt đẹp của xã hội. Những giá trị tốt đẹp của toàn xã hội được thể hiện ở phát triển quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, các quy tắc ứng xử, chuẩn mực xã hội,… được mọi người tôn trọng và tuân thủ thông qua việc từ thiện, cứu trợ, quyên góp ủng hộ,…. Cũng từ các hoạt động thiện nguyện, quyên góp đó mà các doanh nghiệp xã hội hoạt động, lấy nguồn đó để giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.

2.2. Luôn đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu

Doanh nghiệp xã hội luôn đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội lên hàng đầu thông qua hàng hóa, dịch vụ xã hội, hỗ trợ người gặp hoàn cảnh yếu thế, khó khăn. Các vấn đề xã hội thường được quan tâm để giải quyết gồm bảo vệ các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cứu trợ, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, giải quyết các xung đột gia đình, xung đột cộng đồng,… hoặc làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Doanh nghiệp xã hội tồn tại với mục tiêu xã hội chứ không phải lợi nhuận.

2.3. Sử dụng phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư

Doanh nghiệp xã hội vẫn tạo nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp xã hội kinh doanh để bù đắp các chi phí quản lý, hoạt động, phát triển giá trợ xã hội chứ không phải vì mục đích lợi nhuận. Các nguồn thu của hoạt động kinh doanh, lợi nhuận hàng năm đều được dùng để tái đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu mà doanh nghiệp đã đăng ký. Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư.

3. 03 loại doanh doanh nghiệp xã hội hiện nay

Có 03 loại doanh nghiệp xã hội hiện nay đó là: Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận; Doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận; Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận:

3.1. Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận

Các doanh nghiệp phi lợi nhuận là mô hình các tổ chức hoạt động không có lợi nhuận như các nhóm tình nguyện viên, trung tâm bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, trung tâm người sống chung HIV/AIDS… Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận có khả năng đưa ra các giải pháp có tính cạnh tranh cao, sáng tạo để giải quyết được các vấn đề mà xã hội đang quan tâm một cách cụ thể. Đây cũng là điểm sáng của doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận vì việc đưa ra các giải pháp có tính sáng tạo giúp thu hút nguồn vốn đầu tư cả các cá nhân, tổ chức. Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận có thể được chia làm ba nhóm dựa trên phương thức hoạt động, mục tiêu, nguồn tài trợ và hiệu quả xã hội:

– Doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ, sản phẩm hiệu quả cao trong việc giải quyết vấn đề và được cộng đồng hoặc nhà đầu tư tài trợ cho các hoạt động đó. Loại doanh nghiệp xã hội này đóng vai trò xúc tác, kết nối giữa nguồn lực và mục tiêu xã hội để mang lại hiệu quả.

– Doanh nghiệp xã hội đem hàng hóa, dịch vụ công tới những đối tượng chịu thiệt thòi và không có khả năng kinh tế, không đủ khả năng tiếp cận hay chi trả cho các dịch vụ theo mức giá thông thường. Loại doanh nghiệp này đáp ứng yêu cầu và quyền lợi của người dân đang bị thiệt thòi bởi các cơ chế kinh doanh hiện tại.

– Doanh nghiệp xã hội tạo việc làm cho những người yếu thế như người khuyết tật, bị HIV/AIDS, người bị bệnh hiểm nghèo,… với phần lợi nhuận được sử dụng để tài trợ một phần chi phí của tổ chức.

3.2. Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận

Đa số các doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố một cách rõ ràng. Từ đầu thành lập, doanh nghiệp đã xác định rõ sự kết hợp giữa sứ mệnh xã hội và mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt được mục tiêu xã hội. Lợi nhuận thu được phần lớn để tái đầu tư hoặc mở rộng các tác động xã hội của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận có thể tự đứng vững bằng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ. Doanh nghiệp xã hội này thường hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Việc hoạt động dưới hình thức này giúp họ hoạt động một cách độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài trợ, việc tiếp cận nguồn vốn và cơ hội kinh doanh sẽ đa dạng hơn hình thức tổ chức thiện nguyện. Bên cạnh đó thì doanh nghiệp xã hội loại này cũng gặp không ít thách thức so với các loại doanh nghiệp thông thường như:

– Do bản chất hỗn hợp nên doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư khá đa dạng nhưng hiện nay lại chưa có quy định rõ ràng trong việc tiếp nhận các nguồn vốn tài trợ và vốn vay ưu đãi làm cho doanh nghiệp khó khăn trong giải trình thuế.

– Bị áp dụng thước đo hiệu quả khác với doanh nghiệp thông thường. Nên cạnh giá trị vật chất, giá trị xã hội mà nó mang lại cho công đồng là giá trị tối đa và cần được đo lường và ghi nhận cụ thể

– Bên cạnh những chi phí kinh doanh thông thường như những doanh nghiệp thông thường thì doanh nghiệp xã hội còn phải chi những “chi phí xã hội” rất lớn.

3.3. Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận

Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô như Quỹ TYM (Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) hay CEP (Liên đoàn Lao động TP HCM). Doanh nghiệp xã hội loại này có đặc điểm:

– Ngay từ đầu đã chủ trương xây dựng mình trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận với sứ mệnh tạo động lực cho những biến đổi trong xã hội, bảo vệ môi trường.

– Dù có tạo ra lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp xã hội loại này không bị chi phối bởi lợi nhuận. Mục đích của nó không phải là thu về lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên mà là mục tiêu xã hội mà mọi cổ đông, thành viên đều chia sẻ giá trị chung. Một phần lợi nhuận được dùng để tái đầu tư hoặc trợ cấp cho các nhóm dân cư có thu nhập thấp giúp cho doanh nghiệp tiếp cận và mang lại lợi ích cho nhiều người hơn.

– Doanh nghiệp loại này thường tìm những nhà đầu tư quan tâm về cả lợi ích vật chất lẫn lợi ích xã hội. Doanh nghiệp xã hội loại này thường hoạt động dưới các hình thức: Công ty TNHH, Hợp tác xã, Tổ chức tài chính vi mô..

4. Thành lập doanh nghiệp xã hội

Muốn thành lập doanh nghiệp xã hội thì phải đáp ứng được các điều kiện và tuân theo thủ tục thành lập như sau:

Quảng cáo

4.1. Điều kiện doanh nghiệp xã hội

Để thành lập doanh nghiệp xã hội thì cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành;

– Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, luôn đặt mục đích của cộng đồng lên hàng đầu;

– Sử dụng tối thiểu là 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư, nhằm phục vụ mục tiêu xã hội, môi trường như đã cam kết.

4.2. Thủ tục thành lập

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội được thực hiện theo trình tự, thủ tục, hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành:

– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

– Tên Doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định đặt tên của các loại hình công ty thông thường và có thể bổ sung thê cụm từ “XÃ HỘI” vào tên của doanh nghiệp.

– Thành phần hồ sơ gồm: Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập mà chuẩn bị thành phần hồ sơ tương ứng:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

 + Điều lệ công ty (có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập doanh nghiệp);

+ Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);

+ Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có thì phải nộp kèm cả Giấy ủy quyền);

+ Bản Cam kết thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường;

+ Bản sao hợp lệ biên bản họp của Chủ sở hữu công ty/HĐTV/ Chủ tịch công ty đối với công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh khi thông qua nội dung bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;

+ Quyết định của doanh nghiệp thông qua các nội dung trong bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:

+ Nếu hồ sơ đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh sẽ cập nhật thông tin doanh nghiệp về Cam kết mục tiêu xã hội, môi trường vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai lên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp đồng thời cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ hoặc bị từ chối thì Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ doanh nghiệp biết và sửa đổi bổ sung.

5. Có nên thành lập doanh nghiệp xã hội không?

Để trả lời cho câu hỏi “Có nên thành lập doanh nghiệp xã hội không?” thì chúng ta nên nắm rõ được các ưu, nhược điểm của nó:

5.1 Ưu điểm của doanh nghiệp xã hội

– Vì mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là phát triển xã hội, vì cộng đồng,… nên doanh nghiệp được huy động vốn và nhận tài trợ đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Huy động vốn từ nhiều nguồn: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác của Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội còn được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

 – Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét và tạo điều kiện trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ, và các loại giấy chứng nhận có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

– Doanh nghiệp xã hội được nhận nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Tuy nhiên tùy thuộc vào mỗi ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp xã hội sẽ có những chính sách ưu đãi khác nhau

5.2 Nhược điểm của doanh nghiệp xã hội

Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì doanh nghiệp xã hội cũng có những mặt trái như:

– Có những doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của cộng đồng, của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để kêu gọi tài trợ “quá đà” làm giảm đi uy tín của doanh nghiệp xã hội.

– Các quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội còn ít và có thì chưa thật sự chặt chẽ nên nhiều khi các doanh nghiệp muốn thay đổi đăng ký kinh doanh còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc. Bỡ ngỡ trong việc vận hành kết hợp giữa mục tiêu xã hội và hoạt động kinh doanh.

– Khả năng huy động, tiếp cận nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, đa phần là vốn góp với quy mô nhỏ. Do đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên khó thu hút được các nhà đầu tư thương mại.

– Doanh nghiệp xã hội phụ thuộc nhiều vào dư luận, sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội, chính phủ,…

Qua các điểm trên có thể thấy việc quản lý một doanh nghiệp xã hội quả thực không dễ dàng gì, cần phải cân bằng giữa hoạt động kinh doanh và mục tiêu xã hội, trong đó mục tiêu xã hội luôn được đặt lên hàng đầu.

Qua bài viết bạn đọc đã có thể trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp xã hội là gì? Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội”. Nếu còn thắc mắc hãy gọi đến tổng đài của Luật Hùng Sơn để được tư vấn. Trân trọng!

Vui lòng đánh giá!
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn