Nếu bạn đang băn khoăn doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không thì hãy xem ngay bài viết dưới đây của Luật Hùng Sơn để được giải đáp chi tiết nhất nhé.
Thế nào là tư cách pháp nhân?
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, một tổ chức được công nhận là một pháp nhân khi tổ chức đó đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Tổ chức đó được thành lập theo đúng quy định pháp luật (Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và các luật khác có liên quan). Được cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc cấp phép thành lập
- Tổ chức đó phải có cơ cấu tổ chức theo pháp luật quy định. Pháp nhân đó phải có cơ quan điều hành, cơ quan này có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Ngoài ra pháp nhân có thể có các cơ quan khác theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của pháp nhân.
- Tổ chức đó phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác đồng thời phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
- Tổ chức đó nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không?
Để giải đáp thắc mắc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân không chúng ta hay cũng xem phân tích doanh nghiệp tư nhân có đáp ứng được các điều kiện pháp nhân được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 dưới đây.
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói giá rẻ – Liên hệ ngay 1900 6518
Thứ nhất, xét về điều kiện “được thành lập theo quy định của bộ luật dân sự”
Doanh nghiệp tư nhân được cá nhân thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Thứ hai, xét về điều kiện cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định của Điều 185 Luật doanh nghiệp năm 2014: Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, xét về tính độc lập của tài sản và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 của Bộ luật dân sự 2015, tài sản của pháp nhân bao gồm: Vốn góp của chủ sở hữu, các sáng lập viên, các thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc các luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 thì vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Các tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp tư nhân.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, ở tiêu chí này, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập rõ ràng do không có ranh giới. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tăng hoặc giảm số vốn đầu tư bất cứ lúc nào. Đồng nghĩa vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng có thể được chủ doanh nghiệp tư nhân sử dụng như tài sản cá nhân.
Về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân bằng toàn bộ tài sản của mình chứ không dừng lại ở số vốn đăng ký đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân.
Thứ tư, xét về điều kiện “Nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”
Căn cứ khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.”
Do đó trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của Chủ doanh nghiệp tư nhân.
Từ những phân tích trên ta có thể kết luận doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân do không đáp ứng được toàn bộ các điều kiện pháp nhân được quy định trong bộ luật dân sự 2015:
- Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không độc lập với tài sản của cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân;
- Chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
- Trong quan hệ tố tụng tại Tòa án/ trọng tài thương mại thì doanh nghiệp tư nhân không được độc lập nhân danh mình để tham gia.
Các tổ chức khác KHÔNG có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật
Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015 thì tất cả những tổ chức nào không đáp ứng được cá điều kiện pháp nhân tại luật này thì đều không có tư cách pháp nhân. Do đó ngoài doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân thì còn 2 nhóm tổ chức sau cũng không phải là pháp nhân:
- Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
- Các tổ chức như: Quỹ đầu tư chứng khoán, Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động hợp tác đầu tư…
Hy vọng với nhưng thông tin trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không“. Nếu có bất cứ thắc mắc nào khác bạn có thể để bình luận hoặc liên hệ trực tiếp tới số hotline 1900 6518 để được hỗ trợ tốt nhất nhé.
- CÔNG TY LUẬT TNHH HÙNG SƠN VÀ CỘNG SỰ
- Địa chỉ:
- VP Hà Nội: Tầng 9, Handico Tower, Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- VP HCM: Tầng 4, 26 Hoàng Kế Viêm, Phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
- Website: luathungson.vn – luathungson.com
- Email: info@luathungson.com
- Hotline: 0964509555 / 1900 6518