Một trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ phía người dân là việc đền bù đất đai khi có lệnh thu hồi đất. Đặc biệt là việc tái định cư được rất nhiều người lưu tâm bởi ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động làm việc của họ. Để có thể giúp bạn đọc nắm bắt rõ các quy định pháp luật về việc đền bù đất đai tái định cư, Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số thông tin cụ thể như sau.
1. Thế nào là đền bù đất đai tái định cư?
Căn cứ theo Điều 83 của Luật Đất đai năm 2013 thì các khoản hỗ trợ từ Nhà nước khi bị thu hồi đất sẽ bao gồm:
– Hỗ trợ ổn định cho đời sống và sản xuất.
– Hỗ trợ cho việc đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm trong trường hợp có thu hồi đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở có kết hợp với kinh doanh dịch vụ cá nhân, hộ gia đình mà phải di chuyển chỗ ở.
– Hỗ trợ tái định cư với trường hợp mà thu hồi đất ở của cá nhân, hộ gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.
– Các khoản hỗ trợ khác.
Như vậy, có thể thấy, việc hỗ trợ tái định cư là một trong những khoản hỗ trợ từ Nhà nước. Và việc đền bù đất đai tái định cư chỉ diễn ra đối với trường hợp thu hồi đất ở của cá nhân, hộ gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở của mình.
2. Quy định cụ thể về đền bù đất đai tái định cư
Căn cứ theo Điều 6 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP có quy định về việc hỗ trợ tái định cư, việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở sẽ được thực hiện như sau:
– Với cá nhân, hộ gia đình mà đang sử dụng đất ở, người Việt Nam mà định cư ở nước ngoài đang có sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước tiến hành việc thu hồi đất mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc là đủ điều kiện để được cấp cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật về đất đai thì sẽ được bồi thường về đất, việc này được thực hiện như sau:
- Trong trường hợp mà thu hồi hết đất ở hoặc là phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để được ở theo các quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà cá nhân, hộ gia đình không còn có đất ở hay nhà ở nào khác trong địa bàn phường, xã, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì sẽ được bồi thường bằng đất ở hoặc là nhà ở tái định cư.
- Trong trường hợp mà trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên cùng một thửa đất ở bị thu hồi nếu có đủ điều kiện để tách ra thành từng hộ gia đình riêng theo các quy định của pháp luật về cư trú hoặc là có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và cả tình hình thực tế của địa phương để quyết định về mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
- Trong trường hợp mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc là nhà ở tái định cư thì sẽ được Nhà nước đền bù bằng tiền.
Như vậy, có thể thấy điều kiện để được đền bù đất đai tái định cư sẽ có hai điều kiện tối thiểu sau đây:
– Đất ở bị thu hồi hết hoặc là phần diện tích đất ở còn lại sau khi đã thu hồi đất mà không có đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Cá nhân, hộ gia đình mà không còn đất ở, nhà ở nào khác ở trong địa bàn cấp xã nơi mà có đất ở bị thu hồi.
Lưu ý một điều là việc thu hồi đất đai nhưng diện tích được công nhận là đất nông nghiệp thì sẽ chỉ được bồi thường bằng tiền mà sẽ không hỗ trợ tái định cư. Và việc bồi thường bằng tiền sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở địa phương quyết định ở tại thời điểm thu hồi đất.
Trên đây là các quy định về việc đền bù đất đai tái định cư. Nếu bạn đọc có còn thắc mắc nào khác về vấn đề này hoặc đang gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và nhanh chóng nhất.