Đặt cọc là gì? Trong kinh doanh, khi ký kết hợp đồng, các bên thường không trả cho đối tác đủ số tiền phí dịch vụ/ hàng hóa ngay từ lúc đầu. Một trong hai Bên chỉ đưa một phần tiền trước, phần còn lại được thanh toán khi kết thúc hợp đồng. Việc đưa trước một phần tiền gọi là “đặt cọc”, để ‘làm tin’ rằng việc thanh toán toàn bộ giá trị của món hàng/ giao dịch sẽ được thực hiện như thỏa thuận. Vậy đặt cọc là gì? Các vấn đề pháp lý về việc đặt cọc sẽ được tổng hợp tại bài viết dưới đây.
Đặt cọc là gì?
Để trả lời cho câu hỏi đặt cọc là gì? ta có thể hiểu:
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một giá trị nhất định như: khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn nhất định để bảo đảm việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng giữa hai bên.
Trường hợp hợp đồng đã được giao kết, được thực hiện thì tài sản đã đặt cọc trước đó được trả lại cho bên đã đặt cọc hoặc được trừ vào việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho Bên nhận đặt cọc; trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đã đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì Bên nhận đặt cọc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đã đặt cọc và một giá trị tiền tương đương giá trị tài sản đã đặt cọc, trừ trường hợp có các thỏa thuận khác.
Đặt cọc là gì trong tiếng anh?
Đặt cọc là một danh từ được sử dụng một cách thông tụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông thường là trong các hoạt động kinh doanh, mua bán,… Vậy trong tiếng anh đặt cọc là gì?
Trong Tiếng Anh, đặt cọc là “deposit”. Từ “deposit” có thể sử dụng một cách linh hoạt trong nhiều tình huống. “Deposit” có thể kết hợp với nhiều loại từ khác nhau như động từ, tính từ danh từ,… để tạo nên những cụm từ mới nghĩa đa dạng.
“Deposit” có thể đứng mọi vị trí trong một câu mệnh đề.
Đặc điểm của đặt cọc
Đặt cọc là giao dịch thực hiện hai chức năng bảo đảm: đặt cọc được giao kết nhằm mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng; hoặc nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng; hoặc nhằm cả hai mục đích trên. Đây là đặc điểm tạo ra sự khác biệt và làm rõ chức năng giữa biện pháp đảm bảo đặt cọc và các biện pháp bảo đảm khác. Thông thường các biện pháp bảo đảm khác bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng nhưng biện pháp đảm bảo đặt cọc được giao kết trước hợp đồng chính thức lại nhằm mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng hoặc việc thực hiện đúng hợp đồng, tránh sự bội tín trong giao kết, thực hiện hợp đồng.
Đặt cọc là giao dịch thực tế. Hay nói cách khác, hợp đồng đặt cọc chỉ có hiệu lực khi các bên trong hợp đồng đã chuyển giao tài sản đặt cọc.
Tài sản dùng để đặt cọc mang tính thanh toán cao. Trong khi tài sản cầm cố, thế chấp là bất kỳ tài sản nào có thể đáp ứng được các yêu cầu luật định thì tài sản đặt cọc được liệt kê rõ trong phạm vi hẹp gồm: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác. Như vậy, các tài sản khác như quyền tài sản, bất động sản không thể trở thành đối tượng của đặt cọc.
Hình thức của giao dịch đặt cọc: Bộ luật dân sự 2015 không quy định bắt buộc việc đặt cọc phải được lập thành văn bản như Bộ luật dân sự 2005. Nhưng đối với trường hợp khi có một tài sản đảm bảo dung để đặt cọc thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bắt buộc phải lập thành văn bản ở mỗi lần bảo đảm (đặt cọc) (Theo Điều 296 Bộ luật dân sự 2015).
Việc đặt cọc có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản tùy vào sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch. Khi lập văn bản thỏa thuận đặt cọc có thể được thể hiện bằng một văn bản riêng hoặc có thể được thể hiện bằng các điều khoản trong hợp đồng chính thức.
Với việc đặt cọc nhằm mục đích giao kết hợp đồng thì việc đặt cọc cần phải được lập bằng văn bản riêng vì thời điểm giao kết thỏa thuận đặt cọc hợp đồng chưa được hình thành.
Pháp luật cũng chưa có quy định thỏa thuận đặt cọc bắt buộc phải được công chứng, chứng thực mà tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch.
Mặc dù đặt cọc không quy định bắt buộc phải lập thành văn bản nhưng để đảm bảo tránh rủi ro và xảy ra tranh chấp thì các bên vẫn nên lập thành văn bản thỏa thuận đặt cọc trong đo ghi rõ các điều khoản về việc đặt cọc và có công chứng, chứng thực.
Chủ thể và đối tượng của đặt cọc
Chủ thể giao dịch đặt cọc: bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Hai bên phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và có tham gia vào giao dịch đặt cọc tự nguyện. (Theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)
Đối tượng của giao dịch đặt cọc: có thể là một trong các đối tượng sau: một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác và phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm (Bên đặt cọc) (theo Điều 295 Bộ luật dân sự 2015).
Có những hình thức đặt cọc nào?
Bộ luật dân sự 2015 không đề cập tới việc hình thức cụ thể của hợp đồng đặt cọc, việc đặt cọc cần đảm bảo thực hiện đúng mục đích và nội dung đã thỏa thuận trước đó. Do đó, việc có lập thành văn bản hay không có công chứng, chứng thực, hoặc hợp đồng không có người làm chứng thì việc đặt cọc vẫn hợp pháp. Tuy nhiên, dựa theo các quy định về đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, phòng trừ trường hợp các tranh chấp có thể xảy ra thì pháp luật khuyến khích các bên nên có những hình thức xác lập để pháp luật dễ nhận biết và dễ dàng xử lý.
Đặt cọc là biện pháp bảo đảm được Bộ luật dân sự quy định và thừa nhận nhằm mục đích ràng buộc giữa các bên trong hợp đồng hi chưa ký kết hợp đồng dân sự. Trong thực tế, có nhiều hợp đồng đặt cọc được ký kết dưới nhiều hình thức khác nhau và để đảm bảo việc thực hiện các loại hợp đồng khác nhau.
Phân biệt đặt cọc và tiền trả trước?
Có sự khác biệt trong hậu quả pháp lý sau khi thực hiện đặt cọc/tiền trả trước:
– Đối với đặt cọc:
Trong trường hợp sau khi đặt cọc mà hợp đồng được giao kết hoặc hợp đồng đã được thực hiện như thỏa thuận thì quyền sở hữu đối với tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được khấu trừ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán;
Trong trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết và từ chối thực hiện hợp đồng thì quyền sở hữu tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận tiền đặt cọc;
Trong trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền bồi thường bằng giá trị khoản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 328 Bộ luật Dân sự khoản 2 năm 2015).
Do việc đặt cọc là thỏa thuận pháp luật dân sự nhằm đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng nên các bên có thể thỏa thuận mức phạt cọc từ hai lần trở lên giá trị tài sản đặt cọc, điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng. Điều này được tính là một khoản phạt theo hợp đồng.
– Đối với trả tiền trước:
Nếu một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ hoặc không thực hiện giao kết hợp đồng như thỏa thuận ban đầu thì về nguyên tắc, khoản thanh toán trước sẽ được hoàn lại cho bên thanh toán và không phải chịu bất kỳ khoản thanh toán/ bồi thường nào. Điểm này hoàn toàn khác với hậu quả pháp lý của việc đặt cọc.
Mức phạt khi vi phạm hợp đồng đặt cọc
Mức phạt khi vi phạm hợp đồng đặt cọc được hiểu là bên nhận đặt cọc vi phạm cam kết hoặc không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã xác lập. Khi đó ngoài việc phải trả lại tài sản đã nhận đặt cọc cho bên đặt cọc bên nhận đặt cọc còn bị phạt một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc hoặc các bên có thể thỏa thuận mức phạt cọc gấp 2 đến nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc.
Đối tượng của phạt vi phạm đặt cọc chỉ có thể là tiền nhằm ổn định các quan hệ dân sự, chống việc lừa dối, đề cao trách nhiệm của các bên trong giao dịch dân sự, nên trường hợp mức phạt quá cao gấp lần có thể sẽ bị vô hiệu. Pháp luật quy định khi các bên ký kết hợp đồng đặt cọc nhưng không thỏa thuận mức phạt vi phạm đặt cọc thì cách tính mức phạt cọc sẽ như sau:
- Trong trường hợp đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 363 Bộ luật dân sự.
- Trong trường hợp đặt cọc nhằm nục đích bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng. Nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng có sự vi phạm đặt cọc khiến hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định rõ về điều kiện đặt cọc bị vô hiệu thì hợp đồng cũng bị vô hiệu. Hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi có hành vi vi phạm khiến việc đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 146 Bộ luật dân sự 2015.
- Trong các trường hợp cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan dẫn đến việc đặt cọ bị vô hiệu thì không phạt cọc.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “Đặt cọc là gì?”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!