Lợi nhuận công ty cổ phần là một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm nhất. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề phân chia lợi nhuận cho các cổ đông của công ty cổ phần? Các bước chia lợi nhuận cho cổ đông trong công ty cổ phần sẽ được Luật Hùng Sơn giới thiệu ở bài viết dưới đây:
1. Điều kiện để cổ đông được phân chia lợi nhuận
Công ty cổ phần là loại hình công ty đối vốn, không hạn chế số lượng cổ đông tối đa được tham gia mua cổ phần của công ty. Mỗi cổ đông tham gia góp vốn vào công ty sẽ sở hữu một số lượng cổ phần nhất định tương ứng với tỷ lệ phần vốn mà họ đã góp vào công ty. Theo đó, vấn đề phân chia lợi nhuận trong công ty cổ phần là vấn đề mà đa số các cổ đông quan tâm và tìm hiểu khi quyết định tham gia góp vốn vào một công ty cổ phần.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ tức trong công ty cổ phần chính là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác. Như vậy, cổ tức chính là phần lợi nhuận mà mỗi cổ đông trong công ty sẽ nhận được khi tham gia góp vốn vào công ty cổ phần
Theo pháp luật Doanh nghiệp 2020 hiện hành, cổ phần sẽ bao gồm 02 loại: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Tùy vào từng loại cổ phần mà cổ đông họ đang sở hữu thì điều kiện để được phân chia cổ tức sẽ được áp dụng là khác nhau.
Trường hợp, đối với cổ phần ưu đãi
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ phần ưu đãi gồm các loại:
Thứ nhất, cổ phần ưu đãi cổ tức
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc cổ tức được trả với mức ổn định hằng năm;
- Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng;
- Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức thì cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty, dù công ty kinh doanh có lãi hay là lỗ thì cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ đều được chia cổ tức;
- Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
Thứ hai, các loại cổ phần ưu đãi còn lại (cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi hoàn lại)
Pháp luật không có quy định về điều kiện để cổ đông sỡ hữu các loại cổ phần ưu đãi này được trả cổ tức. Theo đó, điều kiện và mức cổ tức chi trả được áp dụng giống với cổ phần phổ thông.
Trường hợp, đối với cổ đông phổ thông
Khác với cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Tức là, khoản lợi nhuận sau thuế của công ty, sau khi đã trừ đi các khoản nghĩa tài chính, một phần lợi nhuận sẽ được sử dụng để chi trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần tiến hành trả cổ tức đối với cổ phần phổ thông khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Công ty phải hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và các khoản nghĩa vụ tài chính khác;
- Công ty đã dùng lợi nhuận sau thuế để trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó;
- Công ty vẫn phải bảo đảm việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn, sau khi đã tiến hành việc trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông.
Như vậy, một điều kiện quan trọng để cổ đông phổ thông được phân chia lợi nhuận (trả cổ tức) đó là công ty kinh doanh có lãi, căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Đối với trường hợp, năm tài chính đó công ty kinh doanh không có lãi thì cổ đông phổ thông sẽ không được chia cổ tức. Đây là điểm khác biệt quan trọng nguyên tắc phân chia lợi nhuận giữa cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức.
Bên cạnh đó, mức chi trả cổ tức cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông sẽ thấp hơn so với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức.
2. Các bước chia lợi nhuận trong công ty cổ phần
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, thì mức cổ tức chi trả cổ phần sẽ được Đại hội đồng cổ đông quyết định dựa trên kiến nghị của Hội đồng quản trị. Thời hạn thực hiện việc chi trả cổ tức cho các cổ đông là trong vòng 06 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Căn cứ quy định tại các Điều 135, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, quy trình tiến hành việc phân chia lợi nhuận cho cổ đông trong công ty cổ phần sẽ được thực hiện như sau:
- Bước 1: Hội đồng quản trị thống nhất mức trả cổ tức và kiến nghị Đại hội Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua (khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020)
- Bước 2: Tại cuộc họp Đại hội Đại hội đồng cổ đông thường niên, Đại hội Đại hội đồng cổ đông sẽ cùng thảo luận và thông qua phương án trả cổ tức do Hội đồng quản trị trình; đồng thời quyết định mức trả cổ tức cụ thể đối với từng loại cổ phần (khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020)
- Bước 3: Hội đồng quản trị phải tiến hành việc lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả. Thời hạn thực hiện chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức đã được ấn định.
- Bước 4: Hội đồng quản trị tiến hành gửi thông báo về việc trả cổ tức đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo về việc trả cổ tức phải đảm bảo có các nội dung được quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Bước 5: Tiến hành việc thanh toán cổ tức cho các cổ đông. Việc chi trả cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
3. Các hình thức chi trả lợi nhuận cho cổ đông
Căn cứ vào khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, để tiến hành việc chi trả cổ tức cho cổ đông, công ty có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
Thứ nhất, chi trả bằng tiền mặt:
Việc chi trả được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, theo các phương thức thanh toán được pháp luật quy định (séc, chuyển khoản, lệnh chuyển tiền…)
Đối với hình thức này, cổ đông sẽ có thêm một khoản thu nhập và có thể sử dụng khoản thu nhập đó cho các mục đích chi tiêu cá nhân. Từ đó, cổ đông sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi quyết định tiếp tục đầu tư vào công ty.
Tuy nhiên, đối với công ty đang giai đoạn phát triển và mở rộng thì trả cổ tức bằng tiền mặt làm giảm lượng tiền trong doanh nghiệp khiến doanh nghiệp thiếu hụt tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì tỷ lệ vốn điều lệ mà cổ đông đang nắm giữ sẽ được giư nguyên và không có sự thay đổi.
Thứ hai, chi trả bằng cổ phần:
Hình này thường được các công ty sử dụng trong trường hợp công ty đang cần vốn để tiến hành các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, công ty muốn giữ lại phần lợi nhuận này để làm nguồn vốn phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh.
Đối với hình thức chi trả cổ tức này, cổ đông sẽ không nhận được khoản lợi nhuận trên thực tế như đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt. Nên đôi khi không đem lại sự an tâm cho các cổ đông với tư cách là một nhà đầu tư, tiến hành việc góp vốn vào công ty.
Thay vào đó, số lượng cổ phần của cổ đông sẽ được tăng lên, tương ứng với tỷ lệ phần trăm vốn điều lệ cổ đông nắm giữ trong công ty cũng sẽ tăng lên. Theo đó, số cổ phần tăng lên thì mức chi trả cổ tức mà họ có thể nhận được ở năm tiếp theo sẽ càng cao.
Hình thức chi trả cổ tức này có thể đem lại cho các cổ đông lợi nhuận cao hơn việc nhận cổ tức bằng tiền mặt, nếu như việc đầu tư, kinh doanh của công ty có lãi trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, cổ đông cũng có thể nhận phải rủi ro trong trường hợp công ty đầu tư vào những dự án không hiệu quả, không phát sinh lợi nhuận, dẫn đến việc không thể chi trả cổ tức cho cổ đông ở năm tiếp theo.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần, mà công ty sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức. Việc đăng ký được thực hiện với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty có trụ sở.
Thứ ba, chi trả bằng tài sản khác theo quy định tại Điều lệ công ty
Đối với hình thức này, tùy theo quy định trong Điều lệ của từng công ty thì việc cổ tức trả cho các cổ đông có thể là hàng hóa, sản phẩm của công ty…
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Hùng Sơn Các bước chia lợi nhuận cho cổ đông trong công ty cổ phần. Nếu các bạn còn bất kỳ vướng mắc nào cần giải đáp hoặc yêu cầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi, các bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất theo số tổng đài: 1900 6518.
- Thủ tục làm sổ đỏ mới nhất 2023: Cần giấy tờ gì? Chi phí bao nhiêu? - 11/09/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 10/09/2023
- Thủ tục đăng ký website với bộ công thương mới nhất - 10/09/2023