logo

Vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ cần những điều kiện gì

Trước đây, Nhà nước ta đã cấm mang thai hộ và có những quy định chặt chẽ để nhằm ngăn chặn việc mang thai hộ. Tuy nhiên, có thể thấy, trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc tiếp tục cấm mang thai hộ rõ ràng không còn phù hợp, bởi đây là nhu cầu thực tế khách quan của xã hội mà pháp luật cần có sự điều chỉnh kịp thời. Việc “cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” là giải pháp an toàn, dung hoà tối đa lợi ích của Nhà nước, gia đình và mỗi cá nhân. Vậy, vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ cần những điều kiện gì? Bài viết này Luật Hùng Sơn sẽ làm rõ vấn đề này.

Quảng cáo

Mang thai hộ là gì?

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có bước đột phá khi ghi nhận việc mang thai hộ, theo hai mục đích khác nhau, cụ thể:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại: là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích nhận đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại được phân định bởi việc giữa hai bên có thoả thuận về việc bên mang thai hộ được hưởng lợi về kinh tế hay lợi ích khác hay không.

vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ

Nhờ người mang thai hộ

Điều kiện để vợ chồng vô sinh (đối tượng nhờ mang thai hộ) nhờ mang thai hộ là gì?

Một số điều kiện được coi là cơ bản để thực hiện việc mang thai hộ bao gồm:

Một là, vợ chồng đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Đây là quy định nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng với nhau cũng như đối với đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ. Như vậy, đối với người phụ nữ độc thân có nguyên nhân vô sinh giống như người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh, họ không thể có con bằng con đường tự nhiên và bằng việc mang thai bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản, họ cũng không kết hôn do sợ ảnh hưởng đến người khác, quyền làm mẹ của họ sẽ bị ảnh hưởng vì không thuộc đối tượng được nhờ mang thai hộ. Đối với nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới, do pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nên với tư cách là cá nhân đơn lẻ, họ cũng không được phép nhờ mang thai hộ. Đặc biệt là các cặp đồng tính nam muốn có đứa con ruột thịt của mình bằng việc nhờ một người phụ nữ khác mang thai hộ cũng không được pháp luật cho phép.

Hai là, vợ chồng đang không có con chung. Điều kiện này dẫn đến cách hiểu nếu vợ, chồng đã có con riêng nhưng đang không có con chung thì vẫn thuộc trường hợp được nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, nếu vợ chồng không có con riêng mà có con chung nhưng con chung mắc những căn bệnh như down… thì không thuộc diện được nhờ mang thai hộ. Mặt khác, do pháp luật không quy định việc có được phép nhờ mang thai hộ nhiều lần hay không nên có thể suy đoán rằng trường hợp nhờ mang thai hộ mà việc mang thai gặp những tai biến bất thường hoặc sau khi sinh con, đứa con chết thì họ vẫn đảm bảo điều kiện là đang không có con chung và sẽ được nhờ mang thai hộ tiếp (không có giới hạn).

Quảng cáo

Ba là, vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lí, tâm lí. Điều kiện này là rất cần thiết để cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ hình dung được toàn bộ quá trình mang thai hộ, những vấn đề phát sinh xung quanh việc mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của mình trong việc nhờ mang thai hộ. Từ đó, họ quyết định có thực hiện việc nhờ mang thai hộ hay không. Điều này cũng là tiền đề đảm bảo cho trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ.

Bốn là, người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Như vậy, có thể cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải rơi vào tình trạng vô sinh – “tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 -3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai” mà nguyên nhân vô sinh có thể do vợ hoặc chồng và người vợ cũng không thể mang thai được ngay cả khi có sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Song vẫn phải đảm bảo điều kiện là người chồng có tinh trùng, người vợ có noãn được xác định là đảm bảo chất lượng để kết hợp thụ tinh. Đây là điều kiện nhằm đảm bảo cho quá trình mang thai hộ cũng như việc giao nhận con sinh ra từ việc mang thai hộ được thực hiện một cách tốt nhất. Bởi vì đứa trẻ đó chính là đứa con ruột thịt của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, tránh tối đa tình trạng từ chối nhận con.

>> Con sinh ra nhờ vào mang thai hộ thì là con của ai?

Điều kiện đối với người mang thai hộ là gì?

Một là, họ là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Nghị định của Chính phủ số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo xác định: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ, hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. Trong khi đó, theo Luật HNGĐ thì thuật ngữ người thân thích không bao gồm chị dâu, em dâu… Tức người thân thích sẽ chỉ bao gồm: Chị, em gái ruột của của chồng hoặc của vợ là người nhờ mang thai hộ; chị em gái họ của chồng hoặc vợ là người nhờ mang thai hộ. Bởi vì điều đó sẽ đảm bảo tối đa sự tuân thủ nghiêm túc những thoả thuận trong văn bản mang thai hộ. Tuy nhiên, điều kiện này dẫn đến quyền được làm cha mẹ của cặp vợ chồng vô sinh vẫn bị bó hẹp. Với chính sách kế hoạch hoá gia đình hiện nay, mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ một đến hai con, bên cạnh đó do định kiến giới, việc trọng nam kinh nữ trong gia đình vẫn còn tồn tại, thêm vào đó là việc lựa chọn giới tính thai nhi nên nhiều gia đình Việt Nam chỉ có con trai, trong nhiều trường hợp cặp vợ chồng vô sinh không có chị, em gái ruột và chị, em gái họ để nhờ mang thai hộ. Hơn nữa, việc người mang thai hộ phải đáp ứng điều kiện đã từng sinh con càng bó hẹp diện những người được mang thai hộ và nếu người mang thai hộ có chồng thì việc mang thai hộ còn phụ thuộc vào ý chí của người chồng đó nữa. Theo truyền thống và tâm lí chung của các gia đình Việt Nam hiện nay, đây là rào cản lớn cho những cặp vợ chồng vô sinh.

Hai là,  người mang thai hộ đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Điều kiện này nhằm đảm bảo sự trải nghiệm của bên mang thai hộ trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ cũng như tạo ra tâm lí ổn định cho cả hai bên khi đón chờ đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ.

Ba là, người mang thai hộ phải ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về độ tuổi được phép mang thai hộ nhưng chắc chắn rằng người mang thai hộ phải có độ tuổi nằm trong độ tuổi sinh đẻ nói chung. Điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ là nhằm đảm bảo sự an toàn nhất về sức khoẻ cho người mang thai hộ, thai nhi, trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ.

Bốn là, người mang thai hộ đã được tư vấn về y tế, pháp lí, tâm lí. Điều kiện này cũng tương tự như đối với người nhờ mang thai hộ, giúp cho người mang thai hộ cân nhắc việc có nên thực hiện mang thai hộ người khác hay không.

Điều kiện về ý chí của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ

Điều kiện về ý chí của các bên trong việc mang thai hộ là điều kiện tiên quyết để việc mang thai hộ được thực hiện. Theo đó phải đảm bảo sự tự nguyện giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ về việc mang thai hộ. Nếu người mang thai hộ đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Đây là điều kiện quan trọng để các bên có tâm lí thoải mái nhất, sẵn sàng đón nhận việc mang thai hộ. Chính điều này là yếu tố quan trọng để ràng buộc trách nhiệm của các bên đối với việc mang thai hộ và là cơ sở pháp lí để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện việc mang thai hộ. Tuy nhiên, điều kiện người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng sẽ dẫn đến vấn đề là người mang thai hộ không được quyền tự quyết định việc mang thai hộ. Giả sử người chồng của họ không đồng ý hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì họ sẽ không thể thực hiện được việc mang thai hộ cho chị, em gái hoặc anh, em trai của mình… 

Như vậy, để vợ chồng vô sinh có thể làm thủ tục nhờ mang thai hộ thì cần phải đáp ứng ba điều kiện trên mà Luật Hùng Sơn đã trình bày. Việc đặt ra điều kiện mang thai hộ sẽ là cơ sở pháp lí để kiểm soát việc mang thai hộ trong khuôn khổ nhất định. 

Vui lòng đánh giá!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top