Văn bản pháp quy là gì, nguyên tắc xây dựng văn bản pháp quy? Để giải đáp cho câu hỏi này, bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Văn bản pháp quy là gì?
Văn bản pháp quy là văn bản bao gồm những quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước từ cơ quan đến địa phương ban hành dựa theo phạm vi thẩm quyền của mình, các quy phạm trong văn bản pháp quy được dùng để điều chỉnh các mối quan hệ được phát sinh trong đời sống, dựa vào ý chí của nhà nước và phải đảm bảo thực hiện bằng quyền lực của nhà nước.
Các quy phạm thể hiện trong văn bản pháp quy không được trái với những quy định trong hiến pháp và các văn bản pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc các cơ quan nhà nước cấp trên ban hành. Những văn bản này được gọi là văn bản pháp quy bởi vì trong đó chứa quy định của pháp luật và để tách biệt loại văn bản này – một văn bản dưới luật với Hiến pháp và những văn bản Luật do Quốc hội hành.
Văn bản pháp quy trong tiếng anh là gì?
Văn bản pháp quy dịch trong tiếng anh được dịch là Legal Documents.
Đặc trưng của văn bản pháp quy gồm những gì?
Văn bản pháp quy cũng chính là văn bản quy phạm pháp luật, vậy nên nó cũng mang những đặc trưng của một văn bản quy phạm pháp luật, gồm có:
- Văn bản pháp quy được nhận diện qua ngôn ngữ viết. Trong việc quản lý của bộ máy nhà nước, cơ quan nhà nước ban hành văn bản pháp quy sẽ phải có nội dung đầy đủ, được hiển thị bằng ngôn ngữ viết (cụ thể là tiếng Việt). Nội dung yêu cầu phải nêu ra được những vấn đề quan trọng bao gồm các quy tắc xử sự cụ thể về mặt nội dung.
Cách thể hiện qua ngôn ngữ viết sẽ có ý nghĩa trong việc giúp chủ thể quản lý được một cách rõ ràng, mạch lạc các ý chí của mình và thể hiện được đầy đủ các vấn đề xảy ra trong công tác điều hành cũng như quản lý nhà nước. Ngoài ra, các văn bản pháp quy còn có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ nói hoặc bằng hành động. Mặc dù vậy, hình thức này không phổ biến bởi khả năng áp dụng thực tế không cao.
- Nội dung của văn bản pháp quy bao gồm những quy tắc xử sự chung, dùng để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong xã hội, được các cơ quan nhà nước ban hành theo quy trình, thủ tục và trình tự nhất định, thể hiện được ý chí của nhà nước và được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực của nhà nước. Dù thể hiện được ý chí của cơ quan nhà nước nhưng không phải ban hành văn bản pháp quy một cách tùy tiện mà phải theo một trình tự, thủ tục nhất định cũng như phù hợp với nội dung của Hiến pháp và văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là phải phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tình hình thực tế của đất nước mình.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp quy. Mỗi cơ quan khác nhau sẽ khác nhau về thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy khác nhau và chỉ được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của mình.
- Hình thức thể hiện của văn bản pháp quy do pháp luật quy định
Hình thức của văn bản sẽ được cấu thành bởi hai yếu tố: thể thức và tên gọi. Đầu tiên, về thể thức thì các văn bản pháp luật ban hành luôn phải đảm bảo việc tuân thủ về cách thức trình bày văn bản theo một khuôn mẫu cũng như theo kết cấu mà pháp luật quy định đối với từng loại văn bản khác nhau nhằm mục đích là tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung văn bản và hình thức, có sự thống nhất cho toàn bộ hệ thống văn bản cũng như bảo đảm hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước. Tiếp theo, về tên gọi văn bản thì hiện có rất nhiều loại văn bản có tên gọi khác nhau như là nghị định, nghị quyết, công điện, công văn …, các văn bản cụ thể này đã được ban hành dựa trên thẩm quyền ban hành của từng loại văn bản cụ thể.
Nguyên tắc xây dựng văn bản pháp quy
Để xây dựng văn bản pháp quy cần bảo đảm những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm về tính hợp hiến, hợp pháp cũng như tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
- Tuân thủ về thẩm quyền, hình thức và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm về tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trừ những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc về bí mật nhà nước; bảo đảm về tính minh bạch trong những quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm về tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
- Không được làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Để áp dụng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo những quy định sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng kể từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với những hành vi xảy ra tại thời điểm mà các văn bản đó đang có hiệu lực. Đối với những văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
- Đối với những văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
- Những văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có các quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không có quy định trách nhiệm pháp lý hay là quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với những hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì sẽ áp dụng văn bản mới.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay
Cụ thể, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bao gồm:
- Hiến pháp do Quốc hội ban hành;
- Bộ luật do Quốc hội ban hành;
- Luật do Quốc hội ban hành;
- Nghị quyết do Quốc hội ban hành;
- Pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
- Nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Lệnh do Chủ tịch nước ban hành;
- Quyết định do Chủ tịch nước ban hành;
- Nghị định do Chính phủ ban hành;
- Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
- Nghị quyết do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
- Thông tư do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành;
- Thông tư do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành;
- Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành;
- Thông tư liên tịch ban hành giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Không ban hành các Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Quyết định do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành;
- Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành;
- Quyết định do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
- Văn bản do chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành;
- Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành;
- Quyết định do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành;
- Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành;
- Quyết định do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.
Tìm hiểu hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật
Xác định hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành
Ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định rõ ràng ngay trong văn bản quy phạm pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 151 và Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Cơ quan chủ trì việc soạn thảo phải dự kiến cụ thể về ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật trong bản dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dựa trên cơ sở bảo đảm đủ thời gian để những cơ quan, tổ chức, cá nhân có được điều kiện tiếp cận văn bản, những đối tượng thi hành có điều kiện để chuẩn bị thi hành văn bản.
Xác định những văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực dẫn đến văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành những Điều, Khoản, Điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản này sẽ đồng thời hết hiệu lực;
Thứ hai, đối với những văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì những nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của các văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với những phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Nếu không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của những văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó sẽ hết hiệu lực toàn bộ;
Thứ ba, nếu một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ gồm có một hay là một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ bị hết hiệu lực đồng thời với một hay là một số văn bản được quy định chi tiết hết đã hiệu lực. Trường hợp mà không thể xác định được những nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản này hết hiệu lực toàn bộ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hùng Sơn để giải đáp câu hỏi Văn bản pháp quy là gì, nguyên tắc xây dựng văn bản pháp quy? Hi vọng thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Trường hợp còn vướng mắc, bạn vui lòng gọi ngay đến hotline 19006518 để được hỗ trợ nhé!