Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và bảo vệ quyền công dân. Với vị trí đặc biệt quan trọng như trên, vậy tòa án nhân dân có mấy cấp? Bài viết dưới đây của Luật Hùng Sơn sẽ gửi đến bạn một cái nhìn tổng quan nhất về cơ quan này.
Chức năng của Tòa án nhân dân
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định:
Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật;
Xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện các tài liệu, các chứng cứ đã được thu thập trong toàn bộ quá trình tố tụng;
Căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra các bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng các hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân sẽ có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.
Tòa án nhân dân có mấy cấp?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định về tổ chức Tòa án nhân dân bao gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân cấp cao.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Tòa án quân sự.
Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp
Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao
Căn cứ theo Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao bao gồm như sau:
– Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa án nhân dân tối cao thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
– Tổng kết thực tiễn về xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử.
– Đào tạo; bồi dưỡng các Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
– Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án với nhau.
– Trình Quốc hội về dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án pháp lệnh, dự thảo về nghị quyết theo quy định của luật.
Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp cao
Căn cứ theo Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định như sau:
– Phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Căn cứ theo Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định như sau:
– Sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm về pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
– Giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện
Căn cứ theo Điều 44 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định như sau:
– Sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Tòa án quân sự
Căn cứ theo Điều 49 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự như sau:
Các Tòa án quân sự sẽ được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là các quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.
Trên đây là bài viết về tòa án nhân dân có mấy cấp của Luật Hùng Sơn. Hãy liên hệ ngay đến hotline: 19006518 Luật Hùng Sơn để được giải đáp những vướng mắc, khó khăn khi bạn đang gặp phải.