Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, việc phòng chống để bảo vệ bản thân mỗi người là vô cùng quan trọng. Trong đó không thể thiếu khẩu trang, dù là khẩu trang vải hay khẩu trang y tế đều có thể là những vật dụng vô cùng quan trọng để phòng bệnh. Vậy mà có những cá nhân vì muốn trục lợi cho bản thân mà đã thực hiện thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng, sau đó tái chế và bán lại ra thị trường. Luật Hùng Sơn sẽ thông tin đến mọi người các quy định về việc xử phạt hành vi tái chế khẩu trang y tế này, để mọi người có thể được nắm rõ hơn.
1. Xử phạt vi phạm hành chính khi tái chế khẩu trang y tế
Hành vi thu gom khẩu trang đã qua sử dụng là một hành vi mang lại nhiều nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Vốn đang trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại có những người vì bất chấp kiếm tiền mà đã đi thu gom lại khẩu trang y tế – một vật dụng mà mọi người đều cần. Nhưng điều quan trọng là họ lại thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng, nếu khẩu trang này sau khi được tái chế xong lại tung ra bán trên thị trường, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao.
Vì vậy, đối với những hành vi như thế, pháp luật cũng đã có các quy định tương đương, trước là xử phạt vi phạm hành chính đối với vấn đề này.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại mục 2 Khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 124/2015/NĐ-CP có xử phạt với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng cho đến 3.000.000 đồng khi có hành vi hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu dưới hình thức là hộ kinh doanh mà lại không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Ngoài ra, còn quy định về việc thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng, sau đó tùy theo trọng lượng và nhằm vào mục đích mua bán trên thị trường. Căn cứ theo điểm a, điểm b Khoản 9 Điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP sẽ xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng khi khối lượng của số khẩu trang đã sử dụng này dưới 1000kg, phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 khi khối lượng của số khẩu trang đã sử dụng này từ 1000kg đến dưới 2000kg, …
Còn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng cho đến 60.000.000 đồng nếu như có hành vi sản xuất hàng giả và không có giá trị sử dụng, theo quy định của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
>>> Mức phạt đối với những vi phạm liên quan đến dịch Covid – 19
2. Có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tái chế khẩu trang y tế
Nếu như người thực hiện hành vi có đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm, thì cơ quan thực hiện việc tố tụng có thể đề nghị khởi tố để điều tra và xử lý hình sự vì tội sản xuất và buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Với việc phạm tội tại Điều 192 này, người thực hiện tội phạm có thể chịu hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, cụ thể là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng cho đến 50 triệu đồng, hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, bị cấm hành nghề hoặc là bị cấm làm một công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm hoặc cũng có thể bị tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của mình.
Mặc dù xử lý trách nhiệm hình sự là khả năng xử lý cao nhất có thể xảy ra, nhưng hiện nay thì các hành vi thực hiện tái chế khẩu trang y tế chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính vì chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm. Nhưng mọi người cũng nên nắm rõ được thông tin này để có thể chủ động và ý thức hơn khi phòng chống dịch Covid-19.
Trên đây là các quy định của pháp luật có thể dùng để xử lý khi có hành vi tái chế khẩu trang y tế để tung ra bán trên thị trường. Nếu như bạn đọc có thắc mắc về các quy định pháp luật khi thực hiện phòng chống dịch Covid-19, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để chúng tôi có thể đồng hành và hỗ trợ giải đáp các thắc mắc cho bạn một cách nhanh chóng và chính xác nhất.