Nếu không thuộc trường hợp được được miễn án phí thì khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện thì phải sẽ nộp tiền tạm ứng án phí. Vậy nếu RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN CÓ ĐƯỢC TRẢ TIỀN TẠM ỨNG ÁN PHÍ KHÔNG? Hãy cùng công ty Luật Hùng Sơn tìm hiểu về vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.
1. Thủ tục xin rút đơn khởi kiện
Bước 1: Đương sự gửi yêu cầu rút đơn khởi kiện tại Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết vụ án.
Bước 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong quá trình xem xét thụ lý vụ án
Nếu sau khi đã nộp đơn khởi kiện cho Tòa án, nguyên đơn có nhu cầu rút đơn khởi kiện thì theo quy định tại khoản g Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán sẽ ra quyết định trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn.
Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện sau khi thụ lý vụ án
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, trong trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc không phải vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không thể có mặt được thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Như vậy, giai đoạn sau khi được Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Ngoài ra, nếu trong vụ án đó, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà:
– Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, đồng thời, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
– Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần của yêu cầu phản tố: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn, nguyên đơn thì trở thành bị đơn trong vụ án mới;
– Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, còn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập: Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn; Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành bị đơn trong vụ án mới.
Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện bắt đầu phiên tòa
Căn cứ khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự, khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa sẽ tiến hành thủ tục hỏi các đương sự về việc có thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện không. Nếu xét thấy việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn là tự nguyện thì Hội đồng xét xử sẽ chấp thuận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút.
2. Án phí khi rút đơn khởi kiện
Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c hay các trường hợp khác được quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ được trả lại cho người khởi kiện (Khoản 3 Điều 218 BLTTDS 2015).
Nếu bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án này. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm và một nửa của án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
3. Rút đơn khởi kiện có được trả tiền tạm ứng án phí không?
Sau khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo hợp lệ, người nộp đơn khởi kiện sẽ nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.Theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán sẽ tính số tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí cho Cơ quan thi hành án.
Như phân tích ở trên, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì vụ án có thể sẽ bị Tòa án đình chỉ giải quyết. Khi đình chỉ vụ án, theo quy định tại khoản 3 Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
Đồng thời, khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được trả lại cho người đã nộp.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, số tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ chỉ được trả lại cho nguyên đơn nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình.
4. Quy định về hoàn trả tiền tạm ứng án phí
– Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về việc xử lý tiền tạm ứng án phí, xử lý tiền tạm ứng lệ phí thu được như sau:
…Trong trường hợp các đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được hoàn trả một phần hoặc được hoàn trả toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền thì cơ quan thi hành án đã thu số tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí đó phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.
Như vậy, theo quy định này, trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí trước đó mà được hoàn trả một phần hoặc được hoàn trả toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì cơ quan thi hành án đã thu số tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí mà họ đã nộp trước đó phải làm thủ tục trả lại số tiền này cho họ.
– Căn cứ quy định tại Điều 36 và Điều 126 của Luật Thi hành án dân sự thì việc cơ quan thi hành án trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án là một loại việc thi hành án chủ động. Theo đó trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và trả lại số tiền tạm ứng án phí cho các đương sự
Căn cứ Điều 28, 29 Luật Thi hành án dân sự, sau khi Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trên đây công ty Luật Hùng Sơn đã cung cấp cho quý khách hàng những quy định của pháp luật về việc RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN CÓ ĐƯỢC TRẢ TIỀN TẠM ỨNG ÁN PHÍ KHÔNG? Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 19006518 để được tư vấn giải đáp một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Trân trọng!