Trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp giữa vợ và chồng sẽ tạo lập nên được một khối tài sản chung được gọi là tài sản chung hợp nhất. Dĩ nhiên khối tài sản chung ấy bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau, và quyền sở hữu tài sản của vợ chồng đối với những loại tài sản đó đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để có thể đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân. Dưới đây là những thông tin cụ thể về quy định của pháp luật đối với chế định quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
1. Đăng ký quyền sử dụng và quyền sở hữu đối với tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:
– Căn cứ vào Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung thì về nguyên tắc chung, nếu vợ chồng là đồng sở hữu chủ đối với khối tài sản chung ấy mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phải ghi tên của cả hai vợ chồng.
– Nhưng ngoại lệ cũng không thể loại trừ khả năng giấy đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng dù tài sản đó là tài sản chung. Tài sản chung dù không được đứng tên cả hai bên vợ chồng mà chỉ đứng tên một bên thì vẫn là tài sản chung, tuy nhiên khi chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản này (chuyển giao quyền sở hữu) thì việc xác lập giao dịch, thay đổi hoặc chấm dứt đều phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nhưng phải phù hợp theo quy định của Luật này về cơ chế đại diện giao dịch và xác lập giao dịch với người thứ ba liên quan đến tài sản này.
– Nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo Điều 33 của Luật này, tức là trong trường hợp không có bất kì căn cứ nào chứng minh được tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì mặc nhiên tài sản ấy được coi là tài sản chung.
Xem thêm bài viết >>> Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có gọi là ly hôn không?
2. Thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân:
– Về nguyên tắc: Tài sản chung của vợ chồng thì vợ chồng sẽ là đồng sở hữu chủ và vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, vì vậy việc thực hiện quyền sở hữu sẽ xảy ra trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên vợ, chồng.
– Việc thực hiện quyền sở hữu trong các trường hợp đặc biệt.
Việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải có sự thỏa thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật:
+ Bất động sản;
+ Động sản mà theo quy định của pháp luật thì phải đăng ký quyền sở hữu;
+ Tài sản ấy đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
– Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:
+ Nghĩa vụ ấy phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng nhau xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
+ Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình mình;
+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung ấy hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà cha mẹ phải bồi thường;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật khác có liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Kết luận: Như vậy việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã quy định cụ thể các trường hợp cần đăng ký quyền sở hữu và các hình thức về đăng ký khác nhau để có thể vừa đảm bảo quyền lợi của chính vợ chồng mà còn có thể đảm bảo được quyền lợi của người thứ ba liên quan đến tài sản chung này. Và Luật cũng quy định về việc thực hiện nghĩa vụ giữa vợ và chồng xảy ra trên cơ sở thỏa thuận, thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
- Thủ tục làm sổ đỏ mới nhất 2023: Cần giấy tờ gì? Chi phí bao nhiêu? - 11/09/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 10/09/2023
- Thủ tục đăng ký website với bộ công thương mới nhất - 10/09/2023