logo

Ngoại hối là gì, quy định của pháp luật về ngoại hối?

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 23-12-2021 |
  • Tin tức , |
  • 840 Lượt xem

Thị trường ngoại hối là một thị trường đã có từ rất lâu đời và có giá trị giao dịch hàng ngày lớn nhất thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam khái niệm ngoại hối và thị trường ngoại hối còn xa lạ với đại bộ phận dân số. Vì vậy, trong bài viết này, Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp thông tin chi tiết về ngoại hối là gì, ngoại hối tiếng anh là gì, thị trường ngoại hối hoạt động như thế nào, nhà nước quản lý hoạt động ngoại hối bằng cách nào,… Hy vọng qua bài viết về ngoại hối sau đây, quý bạn đọc sẽ có cái nhìn đầy đủ nhất về loại thị trường hết sức đặc biệt này.

Quảng cáo

Ngoại hối là gì?

Nền kinh tế ngày càng hiện đại, mỗi quốc gia đều có nhu cầu sử dụng ngoại hối để tiến hành nhập khẩu hàng hoá hay can thiệp vào thị trường tiền tệ, thị trường hàng hoá, điều hoà cán cân thanh toán quốc tế… Cho đến tận hiện nay, các nhà làm luật vẫn chưa đưa ra bất kỳ một định nghĩa chính thức về ngoại hối. Tuy nhiên, tại hầu hết các công trình pháp luật và kinh tế nghiên cứu về ngoại hối đều thống nhất quan điểm cho rằng ngoại hối là một danh từ dùng để chỉ những phương tiện dùng trong việc thanh toán quốc tế như vàng tiêu chuẩn quốc tế, ngoại tệ và các giấy tờ có giá khác được ghi bằng ngoại tệ. 

Ngoại hối là tài sản, quyền tài sản mà có thể định giá, có thể chuyển đổi thành tiền nước ngoài và được cộng đồng quốc tế chấp nhận dùng làm phương tiện thanh toán quốc tế được một nước sử dụng trong các giao dịch quốc tế bao gồm: ngoại tệ, các phương thức thanh toán quốc tế nhưng không phải ngoại tệ được thể hiện dưới các hình thức như khoản tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài, lệnh phiếu, hối phiếu, các công cụ tín dụng, séc, các chứng khoán, trái khoán ghi bằng ngoại tệ, tiền mã hóa,…                           

Ngoại hối trong tiếng anh là gì?

Ngoại hối trong tiếng Anh là Foreign exchange.

ngoại hối là gì

Giao dịch ngoại hối là gì?

Giao dịch ngoại hối là việc người sở hữu ngoại hối dự đoán xu hướng tăng hay giảm của thị trường ngoại hối để thực hiện giao dịch mua hoặc bán một cặp tiền tệ và “kiếm lời” từ việc chênh lệch tỷ giá ngoại hối này. Nói một cách dễ hiểu, thì giao dịch ngoại hối giống như việc bạn mua 1 khối lượng USD nhất định ở giá thấp và sau đó lúc giá USD ở mức cao hơn thì bạn đem bán khối lượng USD này để nhằm kiếm tiền chênh lệch. 

Thị trường ngoại hối là gì?

Để có thể các giao dịch thanh toán quốc tế, các bên thường phải đổi từ loại tiền tệ này sang loại tiền tệ khác. Để thực hiện việc chuyển đổi đó thì cần phải có một thị trường, thị trường này được gọi là thị trường ngoại hối.

Thị trường ngoại hối là thị trường tiền tệ quốc tế nơi mà diễn ra các hoạt động giao dịch ngoại tệ và các phương tiện thanh toán có giá trị như ngoại tệ. Hay nói một cách khác thì thị trường ngoại hối là nơi mà diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế có giá trị như ngoại tệ.

Hàng hóa trao đổi trong thị trường ngoại hối là gì?

Hàng hóa trao đổi trong thị trường ngoại hối là ngoại hối, trong đó chủ yếu là mua bán, trao đổi ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế.

Nội dung quản lý nhà nước về ngoại hối

Các nhà làm luật đã ban hành một số văn bản pháp luật để quản lý về ngoại hối như: 

  • Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11;
  • Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 
  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010

Nhà nước quản lý về ngoại hối chủ yếu bằng cách sử dụng pháp luật để quy định các nội dung sau:

  • Thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong quản lý ngoại hối; 
  • Những hành vi pháp lý cụ thể mà những chủ thể có hoạt động ngoại hối có thể thực hiện hoặc phải thực hiện (quyền và nghĩa vụ của các chủ thể hoạt động ngoại hối); 
  • Các chế tài được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về ngoại hối. 

Vì vậy, khi nghiên cứu nội dung quản lý nhà nước về ngoại hối, đồng nghĩa với việc quý bạn đọc nghiên cứu các vấn đề cơ bản sau đây:

  • Các chủ thể của hoạt động ngoại hối và phạm vi thẩm quyền của các chủ thể đó trong hoạt động quản lý nhà nước về ngoại hối;
  • Chế độ thông tin và các báo cáo có liên quan đến hoạt động ngoại hối;
  • Kiểm tra, thanh tra và kiểm soát đối với hoạt động ngoại hối;

Chế tài xử phạt trong lĩnh vực ngoại hối

Thứ nhất, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, tại Mục 7 Chương II của Nghị định 88/2019/NĐ-CP đã quy định các hình thức xử phạt, mức tiền phạt, thẩm quyền phạt tiền và một số biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng.

Quảng cáo

Thứ hai, tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có quy định về chế tài xử phạt trong lĩnh vực ngoại hối. Cụ thể tại Điều 206 đã quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Theo đó thì:

  • Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

  • Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  • Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
  • Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị cấm làm công việc hoặc cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ  nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mua bán đô la có vi phạm pháp luật không?

Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối. Theo đó, đối với hành vi mua bán đô la thì có mức xử phạt cụ thể như sau:

Thứ nhất, Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

Thứ hai, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); 
  • Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

Thứ ba, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

Thứ tư, Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

Thứ năm, Hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hùng Sơn về ngoại hối là gì? Hy vọng bài viết về ngoại hối lần này của chúng tôi sẽ hữu ích với bạn. Trường hợp Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng để lại thông tin dưới bài viết để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn