Khi mục đích hôn nhân không đạt được, đời sống vợ chồng bế tắc, người ta lựa chọn ly hôn để cho nhau một cơ hội mới. Ly hôn là một trong số các quyền cơ bản của công dân xoay quanh nguyên tắc tự nguyện. Xoay quanh một trường hợp đặc biệt của ly hôn, bài viết dưới đây sẽ đề cập tới vấn đề: Ly hôn với người bị tâm thần. Qua đây giúp giải đáp các câu hỏi: Có thể ly hôn với người tâm thần không?
1. Quyền yêu cầu ly hôn
Như đã đề cập phần đầu bài viết, là một trong các quyền cơ bản của công dân. Chế định ly hôn đã được quy định trong các văn bản pháp luật và có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế chung.
– Khái niệm ly hôn trước đây:
“Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng” (Khoản 8, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000)
– Khái niệm ly hôn theo quy định pháp luật hiện nay:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Theo đó, từ khái niệm “Ly hôn” mới có thể hiểu: Quyền yêu cầu ly hôn không chỉ riêng của vợ, chồng mà chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu ly hôn trong các trường hợp đặc biệt khác. Mà cụ thể: Cha, mẹ, người thân có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn khi một bên vợ, chồng còn lại bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn tới không thể nhận thức, làm chủ hành vi đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra.
Như vậy, trường hợp ly hôn một bên là người bị tâm thần chia làm hai trường hợp: Người yêu cầu giải quyết ly hôn là người mắc bệnh tâm thần và trường hợp vợ, chồng yêu cầu ly hôn với chồng, vợ là người mắc bệnh tâm thần. Trong phần tiếp theo sẽ đi sâu vào trường hợp thứ hai: Yêu cầu ly hôn với chồng, vợ mắc bệnh tâm thần.
2. Có thể ly hôn với người bị tâm thần không?
Xuất phát từ khái niệm ly hôn; quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Với quy định này, chỉ có trường hợp bị hạn chế việc yêu cầu ly hôn đối với người chồng khi người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Trường hợp yêu cầu ly hôn với người bị tâm thần không thuộc trường hợp bị cấm hay hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
Tuy nhiên, đây được coi là trường hợp ly hôn đặc biệt bởi một bên là người mắc bệnh tâm thần. Do đó, khi tiến hành tố tụng người bị bệnh tâm thần không thể tự mình thực hiện quyền hay nghĩa vụ.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự: “Người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”
Cũng tại Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc đại diện cho nhau giữa vợ, chồng: “Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Toà án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.”
Nếu theo quy định tại Điều 24, khi người vợ, chồng bị bệnh tâm thần, trở thành người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì chống, vợ có thể trở thành người đại diện tham gia các giao dịch dân sự khác. Tuy nhiên đặt trong mối quan hệ ly hôn giữa vợ và chồng, nếu một trong hai bên bị bệnh tâm thần thì người còn lại không thể trở thành người giám hộ bởi có sự xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa người giám hộ và người được giám hộ.
Khi đó, Tòa án sẽ chỉ định người khác giám hộ để đại diện thay cho người bị bệnh tâm thần tham gia tố tụng tại Tòa án khi chồng hoặc vợ có yêu cầu ly hôn. Người được chỉ định có thể là cha hoặc mẹ của người bị bệnh tâm thần là người đại diện cho con của họ. Hoặc trường hợp người bị bệnh tâm thần không có cha mẹ hoặc cha mẹ đã chết thì Tòa sẽ chỉ định người thân thích của người bị bệnh tâm thần đại diện cho họ tham gia tố tụng.
Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành có thể ly hôn với người mắc bệnh tâm thần và thủ tục ly hôn được tiến hành như thủ tục ly hôn thông thường, chỉ có điểm khác biệt là ly hôn với người mắc bệnh tâm thần sẽ không tiến hành hòa giải, và người mắc bệnh tâm thần lúc này cần có người giám hộ đại diện theo chỉ định của Tòa án.
>>> Vợ nói nhiều chồng muốn ly hôn
- Các hành vi gây ô nhiễm môi trường? Mức xử phạt đối với hành vi này - 01/06/2023
- Mẫu hợp đồng thuê KOLs Mới Nhất 2023 - 31/05/2023
- Vốn điều lệ của ngân hàng thương mại là gì? - 31/05/2023