Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sai khi mình chết theo sự định đoạt của chính mình. Để bảo đảm tính xác thực của di chúc, trong một số trường hợp, pháp luật quy định việc lập di chúc phải có người làm chứng. Bài viết này Luật Hùng Sơn sẽ tư vấn cho bạn một số vấn đề về người làm chứng cho việc lập di chúc.
Ai có thể trở thành người làm chứng cho việc lập di chúc
Người làm chứng cho việc lập di chúc là người kí tên hay điểm chỉ vào bản di chúc nhằm đảm bảo tính xác thực của di chúc, bảo đảm cho di chúc được lập ra thể hiện đúng ý nguyện đích thực và cuối cùng của người để lại di sản. Đây là chủ thể hỗ trợ cho người để lại di sản trong quá trình lập di chúc, là người chứng kiến cho quá trình lập di chúc. Pháp luật quy định ai cũng có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
Thứ nhất, người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
Việc quy định những người này không được làm chứng cho việc lập di chúc bảo đảm di chúc được lập ra theo đúng ý chí của người để lại di sản, không bị tác động bởi người có thể được lợi ích thông qua việc lập di chúc làm chứng. Người thừa kế theo di chúc là người trực tiếp hưởng quyền lợi, dễ xảy ra tình trạng chỉnh sửa, thay đổi nội dung di chúc trong quá trình làm chứng. Còn người thừa kế theo pháp luật, bao gồm ba hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, việc họ đứng ra làm chứng để thực hiện quá quá trình định đoạt tài sản cho chính bản thân mình sẽ mất tính khách quan, độ chính xác cũng như độ tin cậy.
Thứ hai, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc có thể là những chủ thể như chủ nợ, con nợ, người thế chấp tài sản, người mượn tài sản, người cho thuê tài sản,…
Có thể nhận thấy, đây là những chủ thể có nguy cơ dễ tác động đến nội dung di chúc để có thể trục lợi cho bản thân, ví dụ như chỉnh sửa nội dung di chúc để mình hưởng thêm quyền lợi hay bớt đi nghĩa vụ cần thực hiện, áp đặt ý chí đối với người lập di chúc hoặc cũng vì lợi ích của mình mà dọa nạt, lừa dối người lập di chúc khiến cho người lập di chúc không hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự định đoạt trong việc chỉ định người thừa kế và di sản để lại cho người thừa kế… Do đó, pháp luật quy định họ không thể là người làm chứng cho việc lập di chúc để đảm bảo tính khách quan nhất của di chúc.
Thứ ba, người chưa đủ thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Đó là những người chưa đủ năng lực hành vi dân sự tham gia quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự; hoặc là những người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; hoặc người khó khăn trong việc tự nhận thức và thực hiện hành vi của cá nhân. Việc để những người này làm chứng sẽ khiến di chúc không có độ chính xác và thuyết phục cao bởi vì họ không có khả năng kiểm tra, xác nhận việc lập di chúc và nội dung di chúc của người để lại di sản là hoàn toàn trong trạng thái minh mẫn, tỉnh táo, tự nguyện, không bị ép buộc, đe dọa.
Như vậy, ngoài 3 chủ thể trên, tất cả những chủ thể khác đều có thể trở thành người làm chứng cho việc lập di chúc. Theo đó, một số chủ thể mặc dù có thể khả năng xác nhận việc lập di chúc của họ là không cao nhưng pháp luật hiện hành lại không cấm họ trở thành người làm chứng như: người nước ngoài không thông thạo tiếng Việt,…
Một số trường hợp cụ thể về người chứng cho việc lập di chúc
Thứ nhất, trường hợp di chúc được lập theo hình thức miệng
Di chúc miệng hợp pháp nếu di chúc đó do chính người có tài sản thể hiện ý chú cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại một cách trung thực sự thể hiện ý chí của người di chúc miệng và cùng kí tên hoặc điểm chỉ vào biên bản làm chứng việc di chúc miệng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì biên bản di chúc miệng phải được công chứng viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Hiện tại, pháp luật vẫn chưa có quy định người làm chứng trong trường hợp di chúc miệng phải biết chữ, có thể đọc viết thành thạo nhưng dựa vào thực tế có thể thấy đây là điều kiện cần thiết đối với người làm chứng trong trường hợp này. Ngoài ra, pháp luật cũng không quy định trong 05 ngày làm việc, người làm chứng bị giám hộ để đảm bảo tính khách quan của di chúc.
Như vậy, đối với di chúc miệng thì vai trò của người làm chứng rất quan trọng, quyết định đến hiệu lực của di chúc. Số lượng những người làm chứng phải ít nhất là 02 người.
Thứ hai, trường hợp di chúc được lập theo hình thức văn bản
Ngoài di chúc miệng, di chúc văn bản trong một số trường hợp cũng cần thiết phải có sự hiện diện của người làm chứng mới đảm bảo tính xác thực. Điều 634 Bộ luật dân sự 2015 quy định hình thức di chúc bằng văn bản có người làm chứng được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc (ví dụ trong trường hợp người đó không biết chữ hoặc bị mù cả hai mắt, bị dị tật tay,…) thì có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng.
Người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng. Những người này cùng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và cùng ký vào bản di chúc.
Thứ ba, trường hợp di chúc được lập tại cơ quan công chứng nhà nước hoặc uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Khi người lập di chúc yêu cầu cơ quan công chứng, chứng thực hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc, để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng. Người làm chứng lúc này phải kí xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân cấp xã.
Trên đây là một số thông tin tư vấn về người làm chứng cho việc lập di chúc của Luật Hùng Sơn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật Hùng Sơn để được giải đáp.
Trân trọng./.
>>> Thế nào là thủ tục lập di chúc hợp pháp?
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cập nhật mới nhất - 25/05/2023
- Giấy phép nhập khẩu thực phẩm mới nhất - 24/05/2023