Vụ nữ tài xế Mercedes GLC 250 vượt đèn đỏ gây tai nạn liên hoàn ở cầu Hòa Mục, đường Lê Văn Lương, Hà Nội; vụ xe container đã vượt đèn đỏ tông lật xe buýt tại Hải Dương; vụ xe máy vượt đèn đỏ gây tai nạn rồi bỏ trốn ở Cao Lãnh;… và hàng trăm, hàng nghìn lỗi vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông đang diễn ra mỗi ngày. Vượt đèn đỏ được coi là lỗi thường gặp và phổ biến nhất khi tham gia giao thông đường bộ. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về lỗi vượt đèn đỏ? Bài viết sau đây của Luật Hùng Sơn sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc.
Hành vi vượt đèn đỏ là vi phạm pháp luật
Tín hiệu đèn giao thông là một trong những tín hiệu thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì: Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, với các quy định tương ứng như sau:
– Tín hiệu xanh là được đi;
– Tín hiệu đỏ là cấm đi;
– Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, pháp luật quy định khi có tín hiệu đèn đỏ thì người tham gia giao thông ( bao gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ) phải thực hiện dừng lại, cấm di chuyển tiếp. Mặt khác, cũng tại Điều 11 Luật này quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Do đó, hành vi vượt đèn đỏ là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quy tắc giao thông đường bộ, có thể gây ra hoặc đe dọa gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Vì là hành vi bị cấm nên người nào thực hiện vượt đèn đỏ sẽ phải chịu xử lý của pháp luật.
Chế tài xử lý khi có lỗi vượt đèn đỏ
Theo pháp luật hiện hành, người có lỗi vượt đèn đỏ sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (tức là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện)) mà không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) thì:
– Bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm a khoản 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP;
– Ngoài ra, bên cạnh bị phạt tiền, người vi phạm vượt đèn đỏ còn bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (theo quy định tại khoản 11 điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP)
Thứ hai, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô (là các phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg) và các loại xe tương tự xe gắn máy (là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ xe đạp máy) mà vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông) thì theo điểm e khoản 4 điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP bị xử phạt như sau:
– Bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
– Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ ba, đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Khi vượt đèn đỏ thì theo điểm đ khoản 5 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì bi xử lý như sau:
– Bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
– Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ tư, đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác:
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì sẽ bị xử lý như sau: Bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thứ năm, đối với người đi bộ vi phạm việc vượt đèn đỏ thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng (Theo điểm b khoản 1 điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Thứ sáu, đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vượt đèn đỏ thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng (theo điểm b khoản 1 điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Lỗi vượt đèn đỏ gây tai nạn thì bị xử lý như thế nào?
Khi người có hành vi vượt đèn đỏ mà gây tai nạn thì ngoài việc bị xử lý hành chính như trên thì có thể chịu những hình phạt sau:
Một là, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Việc bồi thường bao nhiêu và như thế nào sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Hai là, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể cũng như mức độ thiệt hại sẽ có những hình phạt tương ứng, cao nhất là 15 năm tù giam.
Như vậy, Luật Hùng Sơn đã trình bày về vấn đề lỗi vượt đèn đỏ thì bị xử lý như thế nào và hình phạt tương ứng ra sao. Nếu có vấn đề khác hoặc cần hỗ trợ thêm thì xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được phục vụ tốt nhất.
Trân trọng./.
>>> Xem thêm : Trường hợp nào vượt đèn đỏ không bị phạt?