logo

Lãnh Sự quán là gì, phân biệt Lãnh Sự quán và Đại Sứ quán?

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 15-10-2021 |
  • Tin tức , |
  • 1115 Lượt xem

Đại Sứ quán và Lãnh Sự quán là hai cơ quan mà chúng ta thường lui tới khi muốn xin visa, thị thực. Tuy nhiên, hai cơ quan này có phải là một? Hai cơ quan này có điểm gì khác nhau? Nếu khác nhau thì Lãnh Sự quán khác gì với Đại Sứ quán?

Quảng cáo

Bài viết dưới đây Luật Hùng Sơn sẽ cùng bạn tìm hiểu “Lãnh sự quán là gì, phân biệt Lãnh Sự quán và Đại Sứ quán?”

Lãnh Sự quán là gì

Quy định về các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện trong Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó có các quy định chung và chi tiết về: “Tổng Lãnh Sự quán”, “Lãnh Sự quán”, “Đại Sứ quán”…

Theo khoản 2, Điều 4, “Lãnh Sự quán” , “Tổng Lãnh sự quán” là “Cơ quan đại diện lãnh sự” có chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại khu vực lãnh sự và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ này ngoài khu vực lãnh sự theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

Ngoài ra, lãnh sự quán hay tổng lãnh sự quán có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại một hoặc nhiều nước hoặc chức năng, nhiệm vụ do nước khác ủy nhiệm tại nước tiếp nhận và chức năng, nhiệm vụ ngoại giao tạo nước tiếp nhận theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

Lãnh Sự quán, Tổng Lãnh Sự quán thường được đặt ở thành phố (không phải thủ đô) của quốc gia sở tại, phụ trách một khu vực nhất định. Lãnh Sự quán, Tổng Lãnh Sự quán được thiết lập sau khi thành lập Đại Sứ quán tùy thuộc vào nhu cầu, khối lượng công việc…

Ở Việt Nam, cơ quan lãnh sự quán, tổng lãnh sự quán thường được đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

Cơ quan lãnh sự quán thực hiện các chức năng sau:

  • Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân, pháp nhân và Nhà nước của quốc gia cử lãnh sự tại quốc gia tiếp nhận.
  • Phát triển mối quan hệ giữa quốc gia cử lãnh sự và quốc gia tiếp nhận trên tất cả các lĩnh vực thương mại, văn hóa, chính trị, khoa học… đồng thời thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quốc gia;
  • Tìm hiểu thông tin, diễn biến đời sống thương mại, kinh tế, văn hóa… của quốc gia tiếp nhập và báo cáo tình hình đó về quốc gia cử lãnh sự, cung cấp thông tin đến những người quan tâm;
  • Thực hiện cấp giấy tờ đi lại, hộ chiếu cho công dân quốc gia cử lãnh sự và cấp thị thực hoặc giấy tờ phù hợp cho những công dân muốn đến quốc gia cử;
  • Giúp đỡ, hỗ trợ công dân, pháp nhân của quốc gia cử;
  • Thực hiện các hoạt động với tư cách hộ tịch viên, công chứng viên và các công việc hành chính khác không trái luật và quy định của quốc gia tiếp nhận;
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân của quốc gia cử lãnh sự nếu thừa kế di sản trên phần lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận trên cơ sở phù hợp với luật và quy định của quốc gia tiếp nhận;
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người vị thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi là công dân của quốc gia cử lãnh sự;
  • Chuyển giao tài liệu hoặc thực hiện các thủ tục ủy thác tư pháp, ủy thác lấy lời khai trước tòa án ở quốc gia cử lãnh sự phù hợp với các quy định của quốc gia tiếp nhận;
  • Thực hiện quyền giám sát, thanh tra phù hợp với quy định pháp luật quốc gia cử lãnh sự;
  • Thực hiện các chức năng khác do quốc gia cử giao cho lãnh sự quán/tổng lãnh sự quán không trái với các quy định của quốc gia tiếp nhận.

lãnh sự quán là gì

Lãnh sự quán tiếng anh là gì?

Lãnh sự quán trong tiếng Anh là “Consulate”

Chằng hạn, Tổng Lãnh Sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh gọi là “Consulate General of the Republic of Korea”; Tổng Lãnh Sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh gọi là “Consulate General of Japan”…

Đại sứ quán là gì?

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 quy định: “Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán”.

Như vậy, Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia, được thiết lập khi hai quốc gia có mối quan hệ ngoại giao và đồng ý thiết lập cơ quan ngoại giao- đại sứ quán.

  • Cơ quan Đại sứ quán đặt tại thủ đô của nước tiếp nhận. Ở Việt Nam, tất cả các cơ quan đại sứ quán của quốc gia cử đại sứ quán đều đặt tại Thủ đô Hà Nội và ngược lại, cơ quan đại sứ quán của Việt Nam luôn nằm ở Thủ đô của quốc gia khác.
  • Đứng đầu Cơ quan Đại sứ quán là Ngài Đại sứ hoặc Ngài Đại sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền. Bên cạnh đó còn có các chức vụ khác như Tùy viên, Bí thư, Tham tán…
  • Cơ quan Đại sứ quán thực hiện các chức năng: Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước mình với nước bạn; Giữ vai trò đầu mối thông tin liên lạc cho công dân nước mình tại nước tiếp nhận; Có trách nhiệm xử lý các thủ tục cần thiết cho công dân nước mình tại nước tiếp nhận, xử lý giấy tờ, đảm bảo an ninh cho công dân nước mình.
  • Đại sứ quán có trách nhiệm thu thập, cung cấp thông tin về con người, đất nước, văn hóa, lịch sử, kinh tế của quốc gia cử Đại sứ cho quốc gia đang đặt trụ sở.
  • Một chức năng khác thường được biết đến khi nhắc tới Đại sứ quán là tiếp nhận và xử lý hồ sơ chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
  • Trong bộ máy quản lý, Đại sứ chịu trách nhiệm báo cáo lên Bộ Ngoại giao của quốc gia sở tại. Trong một số trường hợp cần thiết, Đại sứ đại diện cho chính phủ quốc gia để truyền đạt lại các ý kiến, quan điểm về các vấn đề thị thực, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị…

Đại sứ quán tiếng anh là gì?

Đại sứ quán trong tiếng anh là “Embassy”

Chẳng hạn, Đại sứ quán Pháp đặt tại Việt Nam là French Embassy; Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam là Korean Embassy.

Trụ sở của các cơ quan Đại sứ quán này đều đặt tại Thủ đô Hà Nội.

Quảng cáo

Phân biệt lãnh sự quán và đại sứ quán?”

Phân biệt Lãnh sự quán và Đại sứ quán thông qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, như đã trình bày khái niệm Đại sứ quán và Lãnh sự quán. Hai cơ quan này đều là cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia.

Tuy nhiên Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao của nước này đặt tại Thủ đô của nước khác. Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên được thiết lập khi hai nước đồng ý thiết lập, xây dựng mối quan hệ ngoại giao.

Lãnh sự quán là cơ quan đại diện ngoại giao thường được đặt tại thành phố của đất nước khác và phụ trách hoạt động ngoại giao, chức năng lãnh sự tại một vùng đó.

Thứ hai, vị trí đặt cơ quan Lãnh sự quán và cơ quan Đại sứ quán:

Cơ quan Đại sứ quán luôn đặt tại thủ đô của nước sở tại. Ở Việt Nam, các Đại sứ quán của các quốc gia khác đều đặt tại thủ đô Hà Nội.

Cơ quan Lãnh sự quán thường đặt ở các Thành phố lớn. Số lượng cơ quan Lãnh sự quán sẽ phụ thuộc vào khối lượng công việc, phạm vi, khu vực cần quản lý. Ở Việt Nam hầu hết các Tổng Lãnh sự quán đều đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, một số quốc gia có thêm Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Đà Nẵng.

Thứ ba, về chức vụ và tên gọi trong cơ quan Đại sứ quán, Lãnh sự quán:

Người đứng đầu cơ quan Đại sứ quán là Đại sứ, ngài Đại sứ, ngoài ra còn có các chức vụ như Bí thư, Tùy Viên, Tham tán…

Người đứng đầu cơ quan Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh Sự, ngoài ra còn có Phó Tổng Lãnh Sự, Lãnh Sự, Tùy Viên…

Thứ tư, về hoạt động chính của Đại sứ quán và Tổng Lãnh Sự quán:

Đại Sứ quán có các hoạt động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa,.. Về mặt ngoại giao, chỉ có Ngài Đại Sứ/ Ngài Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền mới có thể đại diện chính phủ quốc gia mình để truyền đạt các thông tin quan trọng liên quan đến quân sự, kinh tế, chính trị,..

Hoạt động chủ yếu của Tổng Lãnh sự quán thì hẹp hơn. Chủ yếu là hoạt động kinh tế, cấp thị thực. Tổng Lãnh sự quán chỉ có trách nhiệm trong vùng/phạm vi mà mình quản lý/

Thứ năm, về mục đích thiết lập Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự quán:

Đại sứ quán được thiết lập khi và chỉ khi hai quốc gia thiết lập mối quan hệ ngoại giao và đồng ý xây dựng mối quan hệ ngoại giao. Đại sứ quán là cơ quan đầu tiên được thiết lập khi hai nước đồng ý xây dựng mối quan hệ ngoại giao.

Cơ quan Tổng Lãnh sự quán/Lãnh sự quán chỉ được thiết lập sau khi đã thiết lập cơ quan Đại sứ quán. Khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đạt đến một mức độ nhất định, cần thiết xây dựng thêm cơ quan ngoại giao khác thì khi đó tiến hành thiết lập cơ quan Tổng lãnh sự quán/Lãnh sự quán.

Thứ sáu, nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự quán:

Ngài Đại Sứ/Ngài Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền có quyền hạn về các vấn đề: Kinh tế, chính trị, văn hóa.. trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Ngài Đại sứ có trách nhiệm báo cáo tới Bộ Ngoại giao của nước sở tại.

Ngài Tổng Lãnh Sự có trách nhiệm báo cáo lên Bộ Ngoại giao và làm các công việc như cơ quan Đại Sứ Quán. Mặc dù Tổng Lãnh Sự quán nhỏ hơn Đại Sứ quán nhưng hai cơ quan này cũng hoạt động độc lập với nhau.

Với các tiêu chí kể trên, có thể nhận thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự quán.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Hùng Sơn về chủ đề: “Lãnh sự quán là gì, phân biệt lãnh sự quán và đại sứ quán?”. Nếu bạn cần tư vấn chi tiết, vui lòng để lại thông tin tại phần bình luận hoặc liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6518 để được hỗ trợ kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn