Kỷ luật là gì? Các quy định mới nhất 2021 về kỷ luật bạn nên biết

  • Ls. Luyện Ngọc Hùng |
  • 12-07-2021 |
  • Tin tức , |
  • 1084 Lượt xem

Trong bất kì môi trường làm việc, sinh hoạt hay học tập như thế nào đều luôn đề cao tính kỷ luật. Có kỷ luật thì hoạt động làm việc, học tập mới đi vào khuôn khổ và quy định được đặt ra. Vậy kỷ luật là gì? Pháp luật hiện nay có quy định gì về kỷ luật? Hãy cùng theo dõi những thông tin sau để tìm câu trả lời nhé.

Quảng cáo

1. Kỷ luật là gì?

Kỷ luật là thuật ngữ dùng để chỉ những quy tắc xử sự chung do cơ quan nhà nước hoặc tổ chức nào đó đặt ra, yêu cầu tất cả thành viên phải tuân thủ thực hiện. Nếu thành viên vi phạm các quy tắc được đặt ra thì sẽ bị xử lý kỷ luật.

Kỷ luật không phải lúc nào cũng mang bản chất pháp lý:

  • Với một số tổ chức ngoài nhà nước, kỷ luật chỉ đơn thuần là những quy định mà lãnh đạo đặt ra để thành viên trong tổ chức đó phải tuân thủ và thực hiện. Nếu có thành viên không tuân theo các quy định này sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật theo nội quy của tổ chức đó. Lúc này, kỷ luật không mang bản chất pháp lý.
  • Với cơ quan nhà nước thì kỷ luật mang bản chất pháp lý rõ rệt, thể hiện qua các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với đối tượng xử lý được pháp luật quy định.

Kỷ luật, nhìn chung có một số đặc điểm cần phải lưu ý:

  • Nếu được quy định trong các văn bản pháp luật thì kỷ luật đó mang tính bắt buộc.
  • Kỷ luật được quy định khác nhau trong các ngành nghề, lĩnh vực, tổ chức nhất định.
  • Kỷ luật được hình thành dựa trên các chuẩn mực đạo đức của xã hội và cả thuần phong mỹ tục của đất nước.
  • Bên cạnh quy định trong các văn bản pháp luật, kỷ luật còn được quy định trong một số văn bản của tổ chức, cơ quan nhà nước.

kỷ luật là gì

2. Tính kỷ luật được thể hiện qua những yếu tố nào?

Không phải cá nhân trong một tập thể nào cũng có tính kỷ luật. Tính kỷ luật chính là tính cách, đặc điểm riêng của từng cá nhân được thể hiện qua quá trình rèn luyện, học tập, phấn đấu, tuân thủ và thực hiện trong khuôn khổ quy định được đặt ra.

Một cá nhân được đánh giá là có tính kỷ luật phải dựa vào những yếu tố sau:

  • Hiểu về chính bản thân mình: Cá nhân phải xác định được hành vi và mục tiêu của mình là những gì, giá trị của bản thân ra sao. Tuy nhiên, quá trình hiểu về chính mình vốn không dễ, đòi hỏi quá trình rèn luyện phải có nỗ lực phấn đấu và quyết tâm vững vàng.
  • Nhận thức rõ ràng, có ý thức: Yếu tố này thể hiện qua việc cá nhân có nhận thức được những việc bản thân sẽ thực hiện hay không, phải xây dựng tính kỷ luật như thế nào, đánh giá về hành vi của mình có đúng đắn, phù hợp hay không… Có nhận thức phù hợp với pháp luật, đạo đức và xã hội, không sợ sẽ không rèn được tính kỷ luật.
  • Ý chí quyết tâm thực hiện kỷ luật: Ý chí quyết tâm không khó để hình thành nhưng lại không dễ để kiên trì giữ vững. Con người sao có thể không gặp khó khăn khi phải thực hiện những điều không quen thuộc ở môi trường mới. Đánh giá cao tính kỷ luật giữa người này với người khác phải dựa vào sự quyết tâm đưa bản thân vào khuôn khổ, tuân thủ quy định được đặt ra. Nếu dung túng cho sự tùy ý của chính mình thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân người đó và tập thể chung, hậu quả có thể bị xử lý kỷ luật.

3. Vai trò của kỷ luật đối với xã hội

Sở dĩ lúc nào các cơ quan, tổ chức cũng đề cao tính kỷ luật ở mỗi cá nhân, tập thể bởi vì vai trò quan trọng của kỷ luật. Vai trò của kỷ luật được thể hiện qua những khía cạnh sau đây:

  • Xây dựng một cộng đồng với những con người có trách nhiệm với chính mình, tập thể và xã hội.
  • Nâng cao lối sống của xã hội, giảm tình trạng vi phạm kỷ luật, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
  • Càng nhiều người có tính kỷ luật tức sẽ có nhiều người noi theo, góp phần xây dựng tập thể kỷ luật hùng mạnh, là nguồn lực quan trọng cho đất nước.

4. Xử lý kỷ luật là gì?

Khi cá nhân trong một tập thể không có tính kỷ luật, vi phạm những quy định được tổ chức, cơ quan đặt ra hoặc quy định pháp luật, cá nhân đó sẽ bị áp dụng hình thức xử lý tương ứng với mức độ vi phạm. Lúc này, xử lý kỷ luật nhằm chấn chỉnh lại thái độ và nhận thức của người vi phạm.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật có thể hiểu xử lý kỷ luật được phân thành hai đối tượng: xử lý kỷ luật đối với lao động và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Quảng cáo

4.1 Quy định xử lý kỷ luật đối với lao động

4.1.1 Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019, kỷ luật lao động là các quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm.

Căn cứ Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

  • Việc xử lý người lao động phải tuân thủ quy định:
    • Người lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
    • Khi xử lý phải có sự tham gia của tổ chức đại diện cho người lao động ở tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
    • Khi xử lý người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trong trường hợp người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
    • Việc xử lý người lao động phải được lập thành biên bản.
  • Khi xử lý không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
  • Nếu một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật lao động cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
  • Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động trong một số trường hợp sau:
    • Người lao động nghỉ ốm, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người lao động;
    • Người lao động đang bị tạm giam, tạm giữ;
    • Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm theo quy định.
    • Người lao động nữ đang mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
  • Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi họ mắc bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

4.1.2 Hình thức xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019, hiện nay có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động, gồm có:

  • Khiển trách
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng
  • Cách chức
  • Sa thải

4.2 Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

4.2.1 Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định như sau:

  • Công khai, minh bạch; khách quan, công bằng; nghiêm minh và đúng pháp luật.
  • Mỗi một hành vi vi phạm chỉ được xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật.
  • Trong trường hợp mà cán bộ, công chức, viên chức hiện đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật mà tiếp tục có hành vi vi phạm thì áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
    • Nếu như có hành vi vi phạm bị xử lý ở hình thức nhẹ hơn hoặc là bằng với hình thức kỷ luật đang thi hành thì sẽ áp dụng hình thức xử kỷ kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
    • Nếu như có hành vi vi phạm bị xử lý ở hình thức nặng hơn so với hình thức xử lý đang thi hành thì sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đối với hành vi vi phạm mới.
  • Khi xem xét kỷ luật đối với các đối tượng này phải cân nhắc đến các yếu tố: nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, tác hại vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng, thái độ tiếp thu và sửa chữa…
  • Không được áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc là hình thức xử lý kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu như hành vi vi phạm đến mức phải bị xử lý hình sự.
  • Trường hợp mà cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải đảm bảo là tương xứng với mức độ xử lý kỷ luật đảng.
  • Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, tinh thần, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.
  • Nếu như cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định xử lý có hiệu lực và có cùng hành vi vi phạm thì được xem là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được xem là vi phạm lần đầu nhưng cũng được xem là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

4.2.2 Hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ Điều 7 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định như sau:

  • Đối với cán bộ:
    • Khiển trách
    • Cảnh cáo
    • Cách chức
    • Bãi nhiệm
  • Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
    • Khiển trách
    • Cảnh cáo
    • Hạ bậc lương
    • Buộc thôi việc
  • Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
    • Khiển trách
    • Cảnh cáo
    • Giáng chức
    • Cách chức
    • Buộc thôi việc

Căn cứ Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định như sau:

  • Đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
    • Khiển trách
    • Cảnh cáo
    • Buộc thôi việc
  • Đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
    • Khiển trách
    • Cảnh cáo
    • Cách chức
    • Buộc thôi việc

Trên đây là một số thông tin có liên quan đến kỷ luật là gì và các quy định pháp luật về xử lý kỷ luật. Ngoài ra, nếu như bạn đọc có vướng mắc nào khác về vấn đề gì, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn qua hotline 0964.509.555 để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết nhé.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn