Kính chào Luật sư, tôi là người thuộc giới tính thứ 3 – là giới tính mà chưa thực sự được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên những người như chúng tôi vẫn luôn mong muốn có một mái ấm bình thường như những người khác. Vì vậy, tôi muốn hỏi Luật sư những người thuộc giới tính thứ 3 như chúng tôi có được phép kết hôn đồng giới hay không? Tôi xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Hùng Sơn. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số quan điểm như sau:
1. Hôn nhân đồng giới là gì?
Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Việc kết hôn đồng giới vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa bên ủng hộ và bên phản đối. Những người ủng hộ cho rằng việc hợp pháp hóa kết hôn đồng giới là việc đảm bảo nhân quyền và sự bình đẳng của con người, giảm được sự phân biệt đối xử trong xã hội. Những người phản đối quan điểm này lại cho rằng kết hôn đồng giới thường tạo ra những gia đình không bền vững, không có khả năng duy trì nòi giống, những trẻ em được nuôi nấng bởi cặp bố mẹ đồng giới sẽ dẫn tới những tổn thương tâm lý và có sự lệch lạc trong hành vi.
Trên thế giới hiện nay có 28 quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới nhưng lại có tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm. Như vậy chúng ta có thể thấy, phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn chưa thực sự có cái nhìn cởi mở với việc 2 người đồng giới kết hôn.
Còn tại Việt Nam, trước đây theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc kết hôn đồng giới là một trong các trường hợp bị cấm kết hôn. Tại thời điểm đó, các nhà làm luật và xã hội đều không chấp nhận cuộc hôn nhân của những người cùng giới tính với nhau.
Hiện nay, cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của xã hội về người có giới tính thứ ba, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định cởi mở hơn về kết hôn đồng giới được thể hiện trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
2. Quy định về kết hôn đồng giới theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, kết hôn đồng giới không còn là trường hợp bị cấm kết hôn như tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nữa. Thế nhưng, nước ta đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay chưa? Câu trả lời là chưa.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 chỉ quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, chúng ta không cấm nhưng cũng chưa thừa nhận việc kết hôn đồng giới. Đây cũng đã thể hiện một bước thay đổi lớn trong tư duy của nhà làm luật cũng như sự cởi mở hơn của xã hội trong vấn đề này.
3. Có nên thừa nhận việc kết hôn đồng giới tại nước ta?
Cộng đồng LGBT tại Việt Nam hiện nay có số lượng khá lớn và không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Chúng ta không thể phủ nhận rằng họ vẫn luôn có những đóng góp tích cực cho xã hội. Tất cả họ đều có mong muốn được có hạnh phúc, được kết hôn để cùng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
Tuy nhiên, để Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng giới thì cần có nhiều thời gian hơn nữa bởi rào cản về văn hóa, thuần phong mỹ tục và truyền thống gia đình của người Việt. Hơn nữa, các nhà làm luật cũng phải nghiên cứu, cân nhắc về những mặt trái của hôn nhân đồng giới đem lại. Nếu thừa nhận việc hôn nhân đồng giới, đồng thời chúng ta cũng sẽ phải xem xét lại quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật như: quan hệ vợ chồng, xác định cha, mẹ, con, vấn đề về hộ tịch….
Do đó, dù xã hội và pháp luật hiện nay đã có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn về cộng đồng LGBT nhưng để có thể tiến tới việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì lại là một vấn đề lớn và cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Trên đây là một số quan điểm pháp lý của chúng tôi về vấn đề kết hôn đồng giới. Mọi thắc mắc của bạn vui lòng gửi đến hòm thư hoặc liên qua tổng đài của Luật Hùng Sơn để được giải đáp cụ thể.