logo

Hiến pháp là gì? Vai trò của hiến pháp

  • Ls. Luyện Ngọc Hùng |
  • 27-05-2023 |
  • Tin tức , |
  • 2866 Lượt xem

Vai trò của hiến pháp? Chúng ta thường nhìn thấy khẩu hiệu “Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật” xuất hiện ở nhiều nơi công cộng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hiến pháp là gì và nội dung cơ bản của hiến pháp như thế nào. Để nhằm giúp quý độc giả có thể hiểu hơn về vấn đề này, công ty Luật Hùng Sơn xin gửi đến quý độc giả những thông tin thông qua bài viết sau.

Hiến pháp là gì?

Có nhiều quan điểm và cách định nghĩa khác nhau về Hiến pháp. Tuy nhiên, hiểu một cách khái quát rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, dùng để xác định cách thức tổ chức, thể chế chính trị, hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người.

Trong hệ thống pháp luật của một quốc gia thì Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất. Tất cả các văn bản pháp luật khác trong quốc gia đó không được trái và phải phù hợp với quy định của Hiến pháp. Vị trí tối cao này của Hiến pháp là do nội dung Hiến pháp góp phần phản ánh sâu sắc nhất chủ quyền của nhân dân. Hơn nữa, về nguyên tắc Hiến pháp phải do nhân dân thông qua, chính điều này tạo nên sự khác biệt với các đạo luật bình thường khác.

hiến pháp là gì

Vai trò của hiến pháp là gì?

Thứ nhất, Hiến pháp đã thiết lập và trao quyền cho bộ máy nhà nước:

Hiến pháp quy định về cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước và trao quyền hạn cho các cơ quan nhà nước chính (như trao quyền lập pháp cho Quốc hội/Nghị viện, trao quyền hành pháp cho Chính phủ và trao quyền tư pháp cho Tòa án). Chỉ khi được quy định trong Hiến pháp thì quyền lực của các cơ quan nhà nước này mới có tính pháp lý chính đáng.

Thứ hai, Hiến pháp giới hạn và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước:

Cùng với việc trao quyền, Hiến pháp xác định cách thức và giới hạn sử dụng quyền lực được giao của từng cơ quan nhà nước. Ngoài ra, hiến pháp còn thiết lập các thiết chế và cơ chế để có thể kiểm soát, giám sát và xử lý việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như cơ chế giám sát của xã hội thông qua các quyền con người, quyền công dân; cơ chế giám sát nội bộ giữa các cơ quan nhà nước; cơ chế giám sát thông qua các cơ quan hiến định độc lập.

Thứ ba, Hiến pháp góp phần bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân:

Quyền con người, quyền công dân là một trong những nội dung quan trọng nhất và không thể thiếu trong Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào trước đây. Bên cạnh việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân, các hiến pháp còn quy định các cơ chế, thiết chế để có thể đảm bảo rằng các quyền này được tôn trọng và được thực hiện trong thực tế, ví dụ như Ủy ban nhân quyền Quốc gia.

Nội dung của hiến pháp là gì?

Về Lời nói đầu

Lời nói đầu của Hiến pháp được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa những lời nói đầu của Hiến pháp hiện hành, nhưng có sự chắt lọc, lựa chọn từ ngữ, ý tứ để có thể làm bật được một cách ngắn gọn các nội dung cơ bản và tinh thần của Hiến pháp. Đồng thời, phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành quả cách mạng đã đạt được và thể hiện quyết tâm, ý chí của dân tộc ta.

Về bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước

Điều 2 của Hiến pháp 2013 đã kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 và đã thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta là một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bên cạnh đó, cũng khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức và quy định rõ về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp tại khoản 3 Điều 2.

Về vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 4 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan của sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, so với Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 đã bổ sung thêm quy định về bản chất của Đảng. Đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng lấy tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin để làm nền tảng tư tưởng. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng này của Đảng nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. 

Hiến pháp 2013 cũng đã bổ sung về trách nhiệm của Đảng phải phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân 

Với những nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II đã nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm và tôn trọng các quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hiến pháp cũng đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người về các mặt dân sự, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của con người, quyền của công dân.

Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế 

Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta, Hiến pháp đã quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Từ đó, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc điều tiết, định hướng sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quy định về vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước như trên không làm ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế khác.

Về thu hồi đất 

Trong điều kiện phát triển và hội nhập của nước ta hiện nay, việc phải thu hồi đất để đảm bảo thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất một cách tùy tiện,  tràn lan, Hiến pháp 2013 đã quy định việc thu hồi đất để đảm bảo thực hiện các dự án phát triển kinh tế, phát triển xã hội phải gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. 

Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp 2013 về cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định việc bảo vệ Tổ quốc là một nghĩa vụ thiêng liêng và là một quyền cao quý của công dân. Tuy nhiên, do nội hàm của việc bảo vệ Tổ quốc là vô cùng rộng lớn và có liên quan đến nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa, kinh tế, xã hội. Vì vậy, mà Hiến pháp 2013 đã quy định khái quát tại Điều 64 rằng “ Việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”. Còn những vấn đề về an ninh, quốc phòng quốc gia và bảo đảm trật tự, bảo đảm an toàn xã hội thì được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của bản Hiến pháp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội 

  • Hiến pháp tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm của Quốc hội.
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn để Chủ tịch nước miễn nhiệm, cử, bổ nhiệm, triệu hồi đại sứ. Ngoài ra, với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền “Quyết định về việc thành lập, chia, nhập, giải thể, điều chỉnh các địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước (Điều 88)

  • Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định, Chủ tịch nước sẽ là người đứng đầu Nhà nước và thay mặt cho Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, đối ngoại và đối nội, giữ chức Chủ tịch của Hội đồng quốc phòng và an ninh. 

Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, lĩnh vực hành pháp và lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, cũng quy định mối quan hệ giữa Chính phủ, Quốc hội, cơ quan tư pháp với Chủ tịch nước. Và làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định thăng, phong, tước, giáng quân hàm cấp tướng, phó đô đốc, đô đốc hải quân; miễn nhiệm, bổ nhiệm, cách chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng,… Cùng với đó là bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch có quyền quyết định về việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình tại khu vực và trên toàn thế giới.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 

  • Hiến pháp 2013 tiếp tục quy định Chính phủ là một cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đây là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng thực hiện quyền hành pháp cho Chính phủ. 

Theo đó, Chính phủ được quy định những quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực của đời sống như văn hoá, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học, y tế, công nghệ, thông tin, môi trường, đối ngoại, truyền thông, an ninh, quốc phòng quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

  • Về thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Hiến pháp đã phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, tập thể Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (Chương VIII)

Hiến pháp 2013 đã quy định Tòa án nhân dân là một cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Còn Viện kiểm sát nhân dân thực hành các quyền về kiểm sát, công tố hoạt động tư pháp.

Đồng thời Hiến pháp đã quy định một cách tổng quát về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, chức năng, nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Từ đó, làm cơ sở hiến định cho việc tiếp tục đổi mới các hoạt động tư pháp, sao cho phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền.

Về chính quyền địa phương (Chương IX)

  • Hiến pháp 2013 tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp hiện hành về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự ổn định, đồng bộ, thống nhất trong cấu trúc hành chính ở nước ta. Đồng thời bổ sung quy định về đơn vị hành chính tương đương với cấp huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó, cũng có quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc nhập, chia, thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính.
  • Về tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp 2013 quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được quyền tổ chức ở các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân, được tổ chức một cách phù hợp với đặc điểm của hải đảo, đô thị, nông thôn, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”. 

Việc tổ chức ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định cụ thể trong Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Về Kiểm toán Nhà nước và  Hội đồng bầu cử quốc gia 

  • Với mục đích thể hiện đầy đủ và sâu sắc hơn về chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân có thể thực hiện đầy đủ các quyền làm chủ của mình và thể chế hóa nội dung chủ trương “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…” của Đảng, Hiến pháp 2013 đã quy định một cách tổng quát về Hội đồng bầu cử quốc gia. Còn những vấn đề cụ thể về cách thức tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ do luật định.
  • Hiến pháp 2013 cũng quy định về việc xây dựng một thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Ví dụ về hiến pháp

Ở mỗi quốc gia lại có một hiến pháp riêng biệt. Một số Hiến pháp có thể kể đến như Hiến pháp của Cộng hòa Pháp năm 1958, Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1787, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013,…..

Trên đây là thông tin chi tiết về vấn đề hiến pháp là gì. Trường hợp, quý độc giả còn thắc mắc gì hay có câu hỏi nào cần được tư vấn, vui lòng để lại thông tin dưới bài viết này hoặc liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6518 của công ty Luật Hùng Sơn để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn