Ly hôn vừa là điểm kết thúc nhưng cũng chính là điểm bắt đầu. Nói ly hôn là dấu chấm bởi nó chấm dứt mối quan hệ giữa vợ và chồng, nhưng cũng là dấu ba chấm mở đầu cho cuộc sống mới và các nghĩa vụ sau ly hôn. Một trong những điều mà người bố, người mẹ nào cũng đều quan tâm là quyền nuôi con, con sẽ ở với ai sau khi vợ chồng ly hôn. Dù chấm dứt mối quan hệ vợ chồng nhưng giữa hai người vẫn còn tồn tại nghĩa vụ với con cái. Xét trong trường hợp cụ thể, nếu một người ham mê cờ bạc, người còn lại có thể nuôi con không và bài viết này sẽ đưa ra hướng giải quyết khi muốn giành quyền nuôi con với người mê cờ bạc.
1. Quyền yêu cầu ly hôn khi người kia ham mê cờ bạc
Khái niệm ly hôn
Khái niệm ly hôn được đề cập đến trong Khoản 14, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo đó, ly hôn là một sự kiện pháp lý được xác lập nhằm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng. Như vậy, vợ và chồng chấm dứt tương đối mối quan hệ và các nghĩa vụ vợ chồng với nhau. Tuy nhiên, những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ với con cái, nghĩa vụ với người thứ ba… vẫn tồn tại và được thực hiện. Luật Hôn nhân và gia đình có quy định chi tiết về các nghĩa vụ sau ly hôn của vợ và chồng.
Quyền yêu cầu ly hôn khi người kia mê cờ bạc
Xuất phát từ quyền yêu cầu ly hôn, có thể chia làm 2 trường hợp ly hôn như sau:
Trường hợp vợ và chồng cùng yêu cầu ly hôn, hai bên tự nguyện và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc chăm sóc nuôi dưỡng con, đảm bảo quyền lợi cho cả người vợ và con là trường hợp thuận tình ly hôn. Khi này, Tòa án ra quyết định thuận tình ly hôn (Điều 55, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn, tiến hành hòa giải mà không thành. Khi này Tòa án xem xét và quyết định cho vợ và chồng ly hôn khi xét thấy mối quan hệ vợ chồng đã trở nên nghiêm trọng do một bên có hành vi bạo lực gia đình hay vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng và giải quyết cho ly hôn (Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
2. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thuộc về ai?
Sau ly hôn, quyền và nghĩa vụ vợ chồng chấm dứt nhưng quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái thì vẫn được duy trì. Cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Tuy nhiên khi cha và mẹ không còn sống chung, vợ, chồng cần thỏa thuận về người trực tiếp thực hiện các việc kể trên.
Như đã đề cập các trường hợp ly hôn, nếu hai người có thể thỏa thuận và đi đến thống nhất các vấn đề, trong đó có thỏa thuận về người trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì con sẽ sống cùng người đó, điều này được thỏa thuận nhưng phải dựa trên đảm bảo quyền lợi cho vợ và con.
Trường hợp vợ, chồng không thể thỏa thuận và thống nhất được thì Tòa án ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi theo quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, dù ly hôn quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con vẫn được duy trì. Đối với người không trực tiếp nuôi con cũng cần đảm bảo thực hiện như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
3. Giành quyền nuôi con với người mê cờ bạc
Trong trường hợp cụ thể, ai sẽ là người trực tiếp nuôi con khi người còn lại mê cờ bạc?
Như đã phân tích, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa cụ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục với con cái. Và việc này trước hết dựa trên sự thỏa thuận của vợ và chồng. Tuy nhiên khi không thể thỏa thuận được thì có thể giành quyền nuôi con với người mê cờ bạc kia không và phải làm thể nào để hiện thực hóa điều đó?
Khi vợ, chồng không thể thỏa thuận và đi đến thống nhất ai là người trực tiếp nuôi con, quyết định giao con sẽ do Tòa án định đoạt dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con.
Như vậy căn cứ Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chia thành các trường hợp khi vợ, chồng không thống nhất được người trực tiếp nuôi con như sau:
Trường hợp 1: Con dưới 36 tháng tuổi
Đây là trường hợp đặc biệt khi con dưới 36 tháng tuổi, Tòa án sẽ quyết định giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi. Chỉ ngoại trừ một số trường hợp người mẹ không đủ điều kiện cho việc trực tiếp nuôi con.
Trường hợp 2: Con từ đủ 07 tuổi trở lên
Khi con từ 7 tuổi, đã có những nhận thức nhất định về mối quan hệ trong gia đình, khi ấy nguyện vọng của con muốn sống cùng ai sẽ là một căn cứ để Tòa án quyết định giao con cho bố hoặc mẹ.
Tuy nhiên, ý kiến của con không phải là quyết định mà là căn cứ để được Tòa xem xét kết hợp với các yếu tố khác như điều kiện về tài chính, thời gian, sự quan tâm của cha, mẹ giành cho con.. Tất cả vì quyền lợi mọi mặt của con.
Trường hợp 3: Con từ 36 tháng tuổi đến 07 tuổi.
Tất cả các trường hợp trên, Tòa án đều phải căn cứ từ quyền lợi của người mẹ và con để đưa đến quyết định. Trong trương hợp này cũng vậy, Tòa án dựa trên điều kiện của cha, mẹ để quyết định giao con cho người có thể đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con về cả vật chất và đời sống tinh thần.
Vì lẽ đó, nếu có căn cứ một người ham mê cờ bạc, khiến gia đình điêu đứng, nợ nần.. có thể là căn cứ để Tòa xem xét không giao quyền trực tiếp nuôi con cũng tức là con sẽ do người còn lại trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Để giành quyền nuôi con trong trường hợp này, bên cạnh chứng minh được bản thân có khả năng, điều kiện tốt để nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục con còn phải chứng minh có căn cứ và thực tế người còn lại khó có thể đủ điều kiện để cho con một môi trường sống đảm bảo đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng như nuôi dưỡng, giáo dục tốt cho con.
Một căn cứ để giành quyền nuôi con với người mê cờ bạc là nếu người này có hành vi dẫn đến phá tán tài sản của con hoặc xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật.. Đây là hai trong số các trường hợp để cơ quan có thẩm quyền quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ có hành vi này. (Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Sau ly hôn, dù chấm dứt nghĩa vụ vợ chồng nhưng cha mẹ vẫn là cha mẹ của các con. Vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trên đây là bài viết “Chồng ham mê cờ bạc làm sao để vợ giành quyền nuôi con”. Nếu bạn cần được lắng nghe và giải đáp, vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn của Luật Hùng Sơn 1900.6518 để được hỗ trợ kịp thời.
>>> Đơn xin giành quyền nuôi con
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cập nhật mới nhất - 25/05/2023
- Giấy phép nhập khẩu thực phẩm mới nhất - 24/05/2023