Công chức là gì? Phân biệt công chức và cán bộ như thế nào?

  • Luật sư Luyện Ngọc Hùng |
  • 05-04-2023 |
  • Tin tức , |
  • 52 Lượt xem

Công chức theo nghĩa chung là nhân viên trong các cơ quan nhà nước, họ là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước để thực thi hoạt động công vụ và được hưởng lương và các khoản thu nhập từ ngân sách nhà nước. Để hiểu thêm về công chức là gì? Phân biệt công chức và cán bộ như thế nào Luật Hùng Sơn sẽ làm rõ qua  bài viết sau:

Quảng cáo

Công chức là gì?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 4 Luật cán bộ công chức năm 2008 quy định thì: 

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đặc điểm của công chức

Về tính chất công việc: Công chức là người làm việc thường xuyên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhất định và có tính chuyên môn nghiệp vụ rõ rệt. Tính thường xuyên thể hiện ở việc tuyển dụng là không giới hạn về thời gian. Tính chuyên môn nghiệp vụ được thể hiện bằng việc được xếp vào một ngạch.

Về con đường hình thành: là thông qua tuyển dụng và bổ nhiệm. Việc tuyển dụng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế được giao.

Về nơi làm việc: nơi làm việc của công chức rất đa dạng. Công chức làm việc ở cả Cơ quan, Đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về thời gian công tác: Công chức đảm nhiệm công tác từ khi được bổ nhiệm, tuyển dụng cho tới khi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động mà không hoạt động theo nhiệm kì như cán bộ.

Về chế độ lao động: Công chức được biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Quyền của công chức gồm những gì?

 Quyền của công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ

– Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.

– Được bảo đảm về trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.

– Được cung cấp về thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quảng cáo

– Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

– Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

* Quyền của công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

– Được Nhà nước bảo đảm về tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

– Được hưởng về tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

* Quyền của công chức về nghỉ ngơi

Công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ và nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu về nhiệm vụ công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

* Các quyền khác của công chức

Công chức sẽ được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội;

Được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở về phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Sự khác biệt giữa công chức và cán bộ

Luật Hùng Sơn xin đưa ra một số tiêu chí để thấy sự khác nhau giữa công chức và cán bộ như sau

Tiêu chí Cán bộ Công chức
Khái niệm Công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Chế độ làm việc Làm việc theo nhiệm kỳ đã được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm. Làm công việc công vụ mang tính thường xuyên.
Hình thức xử lý kỷ luật – Khiển trách.

– Cảnh cáo.

– Cách chức.

– Bãi nhiệm.

*Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

– Khiển trách.

– Cảnh cáo.

– Hạ bậc lương.

– Buộc thôi việc.

*Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

– Khiển trách.

– Cảnh cáo.

– Giáng chức.

– Cách chức.

– Buộc thôi việc.

Trên đây là bài viết về Công chức là gì? Phân biệt công chức và cán bộ như thế nào của Luật Hùng Sơn. Hãy liên hệ ngay đến hotline: 19006518 Luật Hùng Sơn để được giải đáp những vướng mắc, khó khăn khi bạn đang gặp phải.

 

Vui lòng đánh giá!
Luật sư Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn