Để bước vào hôn nhân, cần một hành trang lớn: Tình cảm, tự nguyện và cảm thông. Tuy nhiên, với nhiều thăng trầm và biến chuyển của cuộc sống. Khi giữa vợ và chồng tồn tại những khúc mắc, những mâu thuẫn kéo dài, ly hôn là một lựa chọn mà dù không muốn nhưng là giải pháp tốt nhất cho cả hai. Nếu nguyên tắc của kết hôn là sự tự nguyện, thì ly hôn cũng cần ý chí của cả hai. Trong nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình truyền thống, con cái ly hôn là điều khó chấp nhận với các bậc làm cha mẹ. Không khó để thấy bố mẹ phản đối khi con cái ly hôn. Vậy vợ chồng ly hôn có cần bố mẹ đồng ý không? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
1. Chế định ly hôn trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
9. Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.
10. Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
…
14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo đó, ly hôn là sự kiện chấm dứt mối quan hệ vợ chồng do một bên vợ hoặc chồng yêu cầu hoặc hai người thuận tình theo bản án hoặc quyết định thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân. Về nguyên tắc, ly hôn là quyền nhân thân của vợ, chồng và chỉ vợ, chồng mới được yêu cầu ly hôn. Ngoài ra luật cũng quy định các hành vi vi phạm nguyên tắc tự nguyện ly hôn của vợ, chồng:
Cưỡng ép ly hôn: Đe dọa, uy hiếp, yêu sách của cải hay bất kỳ hành vi nào khác nhằm buộc vợ hoặc chồng phải ly hôn, trái với ý chí của họ;
Cản trở ly hôn: Đe dọa, uy hiếp, hành hạ, yêu sách của cải hay bất cứ hành vi nào khác để buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý chí của họ.
Với các trường hợp: “Cưỡng ép ly hôn” hay “Cản trở ly hôn: đều không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do việc việc ly hôn đã không đảm bảo tinh thần tự nguyện của vợ hoặc chồng. Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc: Ly hôn tự nguyện. Quyền yêu cầu ly hôn được quy định cụ thể như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
2. Các trường hợp ly hôn
Ứng với quyền yêu cầu giải quyết việc ly hôn có thể tách ly hôn thành các trường hợp sau:
- Ly hôn theo yêu cầu của một bên: Là trường hợp vợ hoặc chồng- một trong hai người yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
- Thuận tình ly hôn: Là trường hơp cả vợ và chồng cùng yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn
- Trường hợp ngoại lệ: Ly hôn là quyền nhân nhân gắn liền với vợ hoặc chồng, việc cha mẹ, người thân thích yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con cái là một ngoại lệ đặc biệt. Yêu cầu này được Tòa án chấp nhận với hai điều kiện cần và đủ sau: Thứ nhất, người vợ hoặc chồng là người bị tâm thần, hoặc bệnh khác dẫn đến mất năng lực nhận thức, hành vi; Thứ hai: Đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra dây ảnh hưởng nghiêm trọng đế sức khỏe, tính mạng, tinh thần. Đón đọc bài viết Ly hôn với người bị tâm thần.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi: “Con cái ly hôn có cần bố mẹ đồng ý?” là Không. Quyết định có ly hôn hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của vợ và chồng. Các trường hợp vì bị ép buộc hay cản trở ly hôn là trái pháp luật và không được công nhận.
Tuy nhiên, dẫu biết hôn nhân là mối quan hệ giữa hai người vợ và chồng nhưng bên cạnh mối quan hệ đó còn là gia đình, người thân và cha mẹ. Do đó, để đi đến ly hôn, bản thân người vợ và chồng cần sự tự nguyện nhưng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng.