logo

Có phải chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý?

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 01-09-2020 |
  • Tin tức , |
  • 789 Lượt xem

Khi sử dụng điện thoại di động, một trong những vấn đề chúng ta thường gặp phải là nhận được tin nhắn quảng cáo hoặc là cuộc gọi quảng cáo đến từ những nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Đôi khi không tránh khỏi những phiền hà không đáng có, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người nhận. Vì thế, Chính phủ đã ra văn bản quy định về việc chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý kể từ ngày 1/10. Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp thông tin xoay quanh vấn đề này chi tiết để bạn đọc có thể nắm rõ hơn.

Quảng cáo

1. Quy định chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý

Căn cứ theo Điều 11 của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thì trách nhiệm của người quảng cáo sẽ bao gồm các hoạt động sau:

– Người quảng cáo phải thực hiện kiểm tra Danh sách không quảng cáo theo quy định để tránh việc gửi tin nhắn quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo hay gọi điện thoại quảng cáo đến cho các số điện thoại trong danh sách ấy.

– Người quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến cho người sử dụng chỉ khi được người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo thông qua một trong những cách sau:

  • Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau khi mà người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất.
  • Khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in hay Trang/Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến của người quảng cáo.
  • Gọi điện thoại hoặc là nhắn tin đến cho Tổng đài thoại của người quảng cáo để thực hiện đăng ký.
  • Sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký để nhận quảng cáo.

– Cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc là lưu trữ những thỏa thuận về việc từ chối, đăng ký nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo, thư điện tử quảng cáo trên Trang/Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra và giải quyết tố cáo, khiếu nại.

– Người quảng cáo phải chịu trách nhiệm và phải có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi tiến hành gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, gửi thư điện tử quảng cáo.

– Người quảng cáo phải có được giải pháp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để cho người sử dụng trong việc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, gửi thư điện tử quảng cáo.

– Người quảng cáo đồng thời phải phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử và những cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc quảng cáo qua tin nhắn, gọi điện thoại, thư điện tử.

– Ngoài ra, người quảng cáo phải thực hiện lưu trữ thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối nhận quảng cáo và cả thông tin xác nhận từ chối của người sử dụng để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian quy định tối thiểu là 1 năm.

Nghị định trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020. Như vậy, kể từ ngày 1/10/2020 người quảng cáo phải tuân thủ quy định:

Quảng cáo

– Người quảng cáo sẽ không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, gửi thư điện tử quảng cáo đến cho người sử dụng khi không được chính người sử dụng đồng ý trước đó.

– Trong trường hợp mà người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc là không trả lời sau khi đã nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên thì người quảng cáo cũng sẽ không được phép gửi bất kỳ một tin nhắn đăng ký quảng cáo hay là tin nhắn quảng cáo nào khác đến cho số điện thoại đó.

– Trong trường hợp mà người sử dụng trước đó đã có sự đồng ý nhận các tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, thư điện tử quảng cáo nhưng sau đó lại có yêu cầu từ chối thì người quảng cáo phải thực hiện chấm dứt việc gửi quảng cáo đến cho người sử dụng.

nhắn tin gọi điện quảng cáo khi người nhận không đồng ý

2. Xử phạt khi vi phạm chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý

Với những trường hợp vi phạm về quảng cáo thông qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hay thư điện tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây:

– Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo đến cho người nhận nhưng không có sự đồng ý của người nhận.

– Gọi điện thoại quảng cáo đến cho người sử dụng khi chưa nhận được sự đồng ý một cách rõ ràng.

– Gọi điện thoại quảng cáo đến cho người sử dụng đã có sự từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo.

– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc là không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Trên đây là các quy định mới nhất của pháp luật về việc chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý cũng như mức xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện đúng. Ngoài ra, nếu như bạn đọc có còn thắc mắc gì thêm về vấn đề này hoặc là có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và nhanh chóng nhất.

Vui lòng đánh giá!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top