Hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn phức tạp, người dân khó khăn trong tình hình hiện tại. Thấy được những khó khăn đó, Chính phủ đang gấp rút triển khai Chính sách hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, nhanh chóng hỗ trợ người dân một khoản về tài chính. Một trong những đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết như thế nào? Người có con nhỏ có được nhận hỗ trợ không?
Những trường hợp lao động có con nhỏ được nhận tiền hỗ trợ thêm
Theo điểm 7 mục II của Nghị quyết thì chỉ khi người lao động có con nhỏ dưới 06 tuổi và thuộc một trong các trường hợp cụ thể thì được hỗ trợ thêm. Có ba trường hợp người lao động có con nhỏ thì sẽ được hỗ trợ thêm, cụ thể:
– Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không được hưởng lương: Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, trung học cơ sở,… bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 15 ngày liên tục trở lên, thời gian bắt đầu tạm hoãn tính từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Người lao động đó đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm trước khi tạm hoãn hợp đồng lao động.
– Người lao động bị ngừng việc: Những người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhưng bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động, thuộc trường hợp phải cách ly ý tế hoặc đang ở trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước trong thời gian 14 ngày trở lên từ 1/5/2021 đến 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
– Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động: Những người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã,… bị chấm duets hợp đồng lao động do các doanh nghiệp đó phải dùng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống Covid-19 trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021.
Những trường hợp này ngoài được hưởng hỗ trợ theo điểm 4, 5, 6 mục II Nghị quyết thì còn được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người nếu đang mang thai; hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng nếu đang nuôi con hoặc thay thế chăm sóc trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc bố).
Để nhận khoản hỗ trợ thêm này thì người lao động nộp hồ sơ là các bản sao có chứng thực của giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nuôi con, … giấy tờ chứng nhận được quyền thay thế chăm sóc trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.
Trẻ em là F0, F1 được hỗ trợ 01 triệu đồng
Cũng theo điểm 7 mục II của nghị quyết thì trẻ em phải điều trị Covid-19 hoặc đang phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ em. Ngoài ra cũng được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị, tiền ăn trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày.
Bố mẹ có trẻ em thuộc trường hợp trên nên chú ý nộp hồ sơ để được hỗ trợ. Hồ sơ gồm: Giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy ra viện hoặc giấy hoàn thành cách ly,… Một số giấy tờ khác.
Giải đáp chính sách hỗ trợ Covid-19 cho lao động tự do
Theo quy định tại điểm 12 mục II của Nghị quyết thì tùy vào tình hình, điều kiện của mỗi địa phương mà mức hỗ trợ sẽ khác nhau, tuy nhiên không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc theo ngày là 50.000 đồng/người/ngày.
Người lao động tự do là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động như: bán hàng rong, bán vé số, thợ hồ, xe ôm truyền thống, nghề bốc vác, tự làm trong các lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu,..), …
Mức hỗ trợ của một số địa phương như:
– Hà Nội: 1.500.000 đồng/người/lần (theo Quyết định 3642/QĐ-UBND và phải đáp ứng đủ điều kiện theo quyết định)
– Sóc Trắng: 1.500.000 đồng/người/lần. Đối với người bán vé số thì hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày (theo QĐ 1793/QĐ-UBND)
– Đồng Nai: đối với nông thôn là 1.500.000 đồng/người/lần; đối với thành thị là 2.000.000 đồng/người/lần.
Một số câu hỏi:
– Người lao động tự do là ai?
Người lao động tự do là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động như: bán hàng rong, bán vé số, thợ hồ, xe ôm truyền thống, nghề bốc vác, tự làm trong các lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu,..), …
– Tôi chạy xe ôm truyền thống tại Hà Nội nhưng không có đăng ký thường trú và tạm trú thì có được nhận hỗ trợ không?
Tùy theo quy định của từng địa phương mà điều kiện nhận hỗ trợ sẽ khác nhau. Đối với người lao động tự do tại Hà Nội nếu không có đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì không được hưởng hỗ trợ.
Theo quyết định 3642/QĐ-UBND, thì người lao động tự do tại Hà Nội phải đáp ứng điều kiện sau để được nhận hỗ trợ:
+ Cư trú hợp pháp;
+ Bị mất việc do phải dừng hoạt động lao động từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021
– Tôi muốn biết thông tin về nhận tiền hỗ trợ thì phải liên hệ ở đâu?
Nếu bạn là người lao động tự do thuộc diện hỗ trợ theo chính sách của địa phương thì có thể liên hệ với tổ dân phố, khối hoặc liên hệ đường dây nóng: 0911151166 để được hỗ trợ.
Hy vọng bài viết trên của Luật Hùng Sơn giúp cho bạn đọc hiểu thêm về chính sách hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ cũng như đối tượng được hưởng hỗ trợ.