Hiện nay, để có thể trở thành giáo viên không phải việc quá khó khăn. Cho dù bạn tốt nghiệp chuyên ngành luật, xây dựng hay kỹ thuật, môi trường,… thì vẫn có cách để trở thành giáo viên. Chỉ cần các bạn có năng lực và được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm. Vậy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Hãy cùng Luật Hùng Sơn tìm hiểu ở bài viết dưới đây!
Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Chương trình học thế nào?
Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là loại văn bằng sử dụng để chứng minh những người không được đào tạo chuyên ngành sư phạm hoàn thành khoá học đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019 có quy định về yêu cầu đối với trình độ của giáo viên, cụ thể như sau:
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, để có thể trở thành giáo viên, những người chưa có bằng sư phạm bắt buộc phải sở hữu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ và phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp.
Chương trình học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học sẽ được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT. Trong đó:
Về đối tượng học
Chương trình học này quy định, các đối tượng được tham gia bồi dưỡng phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp như: Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Công nghệ, Ngoại ngữ.
Về nội dung: Chương trình bao gồm 35 tín chỉ, trong đó:
Phần bắt buộc sẽ có 31 tín chỉ, gồm:
- Khối kiến thức chung đối với các học phần: Giáo dục học, Tâm lý học giáo dục, giao tiếp sư phạm; Quản lý hành vi của học sinh; Sinh lý học trẻ em; Quản lý nhà nước về giáo dục.
- Khối kiến thức chuyên ngành đối với các học phần: Phương pháp dạy học (chọn 1 trong các phương pháp dạy học: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ); Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình môn học; Đánh giá học sinh; Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và dạy học.
- Thực tập sư phạm bao gồm: Thực tập sư phạm 1 và Thực tập sư phạm 2.
Phần tự chọn sẽ có 4 tín chỉ, học viên sẽ được lựa chọn 2 trong 7 học phần: Xây dựng môi trường giáo dục; Tổ chức sinh hoạt chuyên môn; Thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học; Công tác chủ nhiệm lớp và công tác Đội; Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; Tổ chức hoạt động trải nghiệm; Phối hợp với gia đình và cộng đồng.
Về điều kiện cấp chứng chỉ
Các học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nếu tham gia học tập đầy đủ các học phần theo quy định trong chương trình bồi dưỡng. Ngoài ra, học viên phải có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt 5 điểm trở lên.
Bảng điểm có đính kèm chứng chỉ sẽ ghi đầy đủ và rõ ràng tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.
Chương trình học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên THCS (trung học cơ sở), THPT (trung học phổ thông) được ban hành kèm theo Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT. Theo đó:
Về nội dung: Chương trình học gồm có 17 tín chỉ khối học phần chung cùng 17 tín chỉ khối học phần nhánh THCS hay nhánh THPT. Cụ thể như sau:
Khối học phần chung có:
- 15 tín chỉ bắt buộc với các học phần: Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Lý luận dạy học; Quản lý nhà nước về giáo dục; Đánh giá trong giáo dục; Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; Giao tiếp sư phạm.
- 2 tín chỉ là 1 trong các học phần: Quản lý lớp học; Hoạt động giáo dục ở trường phổ thông; Kỷ luật tích cực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Kỹ thuật dạy học tích cực…
Học phần nhánh: Gồm17 tín chỉ học phần theo nhánh THCS hay nhánh THPT sẽ được chia thành những học phần lựa chọn theo môn học; học phần bắt buộc (gồm thực hành và thực tập) và học phần lựa chọn.
Về điều kiện cấp chứng chỉ
Các học viên sẽ được cấp chứng chỉ nếu như tham gia học tập đầy đủ các học phần theo như quy định trong chương trình bồi dưỡng. Hơn nữa, họ cũng phải có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt 5 điểm trở lên.
Bảng điểm cùng với chứng chỉ sẽ ghi rõ ràng, đầy đủ tên học phần, điểm số mà các học viên đã hoàn thành.
Lưu ý:
- Nếu như hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THCS thì học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THCS.
- Nếu như hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THPT thì học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THPT.
- Nếu hoàn thành cả 2 học phần nhánh thì người học được cấp 2 chứng chỉ riêng hay chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chung dành cho giáo viên THCS, THPT.
Tại sao cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm?
Căn cứ theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, tất cả những người không tốt nghiệp chuyên ngành sự phạm chính quy nhưng lại có mong muốn làm nhà giáo thì cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định.
Chứng chỉ nghiệp vụ sự phạm giống như một loại giấy chứng nhận bạn đã trải qua 1 quá trình đào tạo về kiến thức lẫn kỹ năng sư phạm. Khi đã có chứng chỉ này, bạn hoàn toàn có đủ điều kiện đứng lớp và giảng dạy. Đồng thời, bạn cũng được bổ sung vào hồ sơ thi công chức, viên chức, được nâng ngạch hay bổ nhiệm lên các chức vụ cao hơn.
Quy định về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
Theo Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT ban hành quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Mục đích của việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đó là trang bị cho đối tượng bồi dưỡng hệ thống các kiến thức cũng như kỹ năng thực hành sư phạm để có thể đạt trình độ chuẩn giáo viên. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm này được thực hiện hoàn toàn theo hình thức tín chỉ.
Dự tuyển khóa tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ
Mỗi năm, các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng sẽ thông báo kế hoạch bồi dưỡng cho năm sau cho các đối tượng được quy định.
Điều kiện để tham gia dự tuyển gồm:
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp cao đẳng.
- Có đủ sức khoẻ để có tể tham gia bồi dưỡng.
- Nộp hồ sơ đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của cơ sở bồi dưỡng.
Thủ tục đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
- Hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho từng đối tượng bồi dưỡng theo quy định của các cơ sở bồi dưỡng được giao nhiệm vụ.
- Học viên nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm lên cơ sở bồi dưỡng trước khi xét tuyển chậm nhất là 30 ngày.
Kinh phí bồi dưỡng
- Các cơ sở bồi dưỡng được thu học phí của những người cần bồi dưỡng để tự trang trải chi phí cho những hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hình thức tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính hiện hành.
- Cơ sở bồi dưỡng phải có trách nhiệm quản lý, kế toán và quyết toán kinh phí để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thể hiện mục tiêu, nội dung bồi dưỡng; các quy định về kiến thức, kỹ năng, biện pháp bồi dưỡng, cách thức đánh giá kết quả bồi dưỡng. Căn cứ vào cơ sở Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, những cơ sở bồi dưỡng xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho từng đối tượng bồi dưỡng cụ thể.
Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng
- Xây dựng những chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho từng đối tượng bồi dưỡng. Đồng thời biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ để giảng dạy, học tập.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho từng đối tượng.
- Tổ chức tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đúng theo quy định hiện hành.
- Quản lý quá trình học tập của các học viên, đánh giá kết quả học tập và cung cấp bảng điểm học tập cho học viên.
- Quyết định danh sách các học viên nhập học, công nhận kết quả học tập.
- Thu, quản lý và dùng kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đúng theo quy định hiện hành.
- Cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho từng đối tượng chuẩn theo Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
- Đối tượng học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khi:
- Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đúng theo Quy định
- Học viên không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho các học viên đạt các điều kiện quy định.
- Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Như vậy, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện trên và chứng chỉ sẽ được Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp theo đúng mẫu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn đã biết chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Chương trình học và những quy định pháp luật về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nếu muốn biết thêm thông tin mới nhất về luật pháp, đừng quên liên hệ với Luật Hùng Sơn nhé!
- Thủ Tục Giải Thể Công Ty – Doanh Nghiệp Theo Quy Định Năm 2023 - 05/11/2023
- Địa chỉ làm lý lịch tư pháp ở Hà Nội trong ngày - 18/10/2023
- Lý lịch tư pháp online theo đúng quy định hiện nay - 18/10/2023