Hợp đồng dân sự là gì? Chấm dứt hợp đồng là gì? Các trường hợp chấm dứt hợp đồng. Cùng Luật hùng Sơn theo dõi bài viết sau.
Hợp đồng dân sự là gì?
Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 có ghi
“Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng, cho tài sản, làm một việc hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng” .
Hợp đồng dân sự là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự, là phương tiện pháp lý quan trọng để thỏa mãn quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.
Hợp đồng dân sự được xác lập sẽ hình thành mối quan hệ pháp lý giữa các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, mối liên hệ pháp lý này được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Do đó, có thể nói rằng sau khi hợp đồng được thiết lập, sự ràng buộc pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được thể hiện rõ nét, theo đó bên nào vi phạm cam kết, thỏa thuận phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi vi phạm của mình.
Chấm dứt hợp đồng là gì?
Chấm dứt hợp đồng là gì được hiểu là việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý mà các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đã giao kết, thỏa thuận và thống nhất với nhau.
Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
(i) Hợp đồng đã được hoàn thành;
(ii) Theo thỏa thuận của các bên;
(iii) Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
(iv) Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
(v) Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
(vi) Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự;
(vii) Trường hợp khác do luật quy định.
Chấm dứt hợp đồng là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên tham gia hợp đồng.
Các loại hợp đồng phổ biến hiện nay theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, bao gồm:
+ Loại hợp đồng song vụ: là loại hợp đồng mà các bên đều có nghĩa vụ như nhau đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng.
+ Loại hợp đồng đơn vụ: đây là loại hợp đồng mà chỉ có một bên trong hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
+ Loại hợp đồng chính: là loại hợp đồng mà hiệu lực không bị phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
+ Loại hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: đây là hợp đồng mà các bên thực hiện giao kết trong hợp đồng đều phải tham gia thực hiện nghĩa vụ và người hưởng lợi từ việc thực hiện nghĩa vụ đó là người thứ ba trong hợp đồng.
+ Loại hợp đồng có điều kiện: là loại hợp đồng mà việc thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào việc có sự kiện nhất định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng đã được hoàn thành
Trường hợp này, hợp đồng dân sự chấm dứt khi mà các bên đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình với bên kia. Hợp đồng chỉ coi là hoàn thành khi mà tất cả các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận hoặc trên cơ sở quy định của pháp luật, nếu chỉ một bên thực hiện xong nghĩa vụ của mình mà bên kia cũng chưa thực hiện nghĩa vụ của họ thì hợp đồng không được coi là hoàn thành.
Theo thỏa thuận của các bên
Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng nên pháp luật cho phép các bên có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định các bên không được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì các bên không được phép thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 417 Bộ luật dân sự năm 2015: “Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”.
Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện.
Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện
Hợp đồng dân sự được xác lập mà các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh theo hợp đồng gắn liền với nhân thân thì khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt sẽ được coi là căn cứ chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện
Nguyên tắc chung, khi hợp đồng dân sự được giao kết thì các bên tiến hành thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng các bên có thể thỏa thuận hoặc pháp luật cũng có thể quy định, theo đó xuất hiện các căn cứ nhất định thì hợp đồng dân sự có thể bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện.
Hủy bỏ hợp đồng dân sự (Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2015):
(i) Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
- a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
- b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
- c) Trường hợp khác do luật quy định.
(ii) Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
(iii) Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015):
(i) Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định;
(ii) Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường;
(iii) Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện;
(iv) Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường;
(v) Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại
Nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì hợp đồng chấm dứt nhưng không làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Chính vì vậy, nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng hoặc bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, hợp đồng dân sự có thể chấm dứt trong các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “Chấm dứt hợp đồng là gì? Các trường hợp chấm dứt hợp đồng”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!
- Chiếm hữu là gì? Bảo vệ việc chiếm hữu như thế nào? - 04/06/2023
- Đồ án là gì? Hướng dẫn cách làm đồ án tốt nghiệp - 03/06/2023
- Thủ tục thành lập cơ sở kinh doanh dược là gì? - 02/06/2023