Nếu muốn biết mã số định danh của mình khi chưa có căn cước công dân, người dân cần tiến hành tra cứu mã định danh. Mã định danh còn được hiểu là căn cước công dân hiển thị. Tính đến thời điểm hiện tại, căn cước công dân 12 số đã được cung cấp tới những người chuyển đổi từ chứng minh thư 9 số sang căn cước 12 số. Nếu bạn chưa được cấp căn cước mà muốn thực hiện cách tra cứu số định danh cá nhân thì hãy theo dõi bài viết này nhé!
Mã định danh cá nhân là gì?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP có quy định về số định danh cá nhân như sau:
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Số định danh cá nhân là do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho các công dân Việt Nam, không lặp lại ở những người khác.
Số định danh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, theo đó hệ thống quản lý dân cư chính là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với những hệ thống thông tin chuyên ngành khác của Bộ, ngành qua số định danh cá nhân.
Cấu trúc và ý nghĩa mã định danh cá nhân của công dân
Cấu trúc mã định danh cá nhân giúp bạn có thể dễ dàng tra mã số định danh cá nhân:
- 3 số đầu: Là mã các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương – nơi công dân đăng ký khai sinh hay là mã của quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 1 chữ số tiếp theo: Chính là mã thế kỷ sinh + giới tính của công dân.
- 2 chữ số tiếp theo: Là mã năm sinh của các công dân.
- 6 số còn lại: Là dãy các số ngẫu nhiên của từng người.
Trong đó:
- Mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mà các công dân đã đăng ký giấy khai sinh sẽ có các mã từ 001 đến 096 ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Mã thế kỷ và mã giới tính trong số định danh cá nhân sẽ được quy ước như sau:
- Công dân sinh ở thế kỷ 20 (từ năm 1900 tới hết năm 1999): Đối với Nam là 0, nữ là 1.
- Công dân sinh ở thế kỷ 21 (từ năm 2000 tới hết năm 2099): Đối với Nam là 2, nữ là 3.
- Công dân sinh ở thế kỷ 22 (từ năm 2100 tới hết năm 2199): Đối với nam là 4, nữ là 5.
- Công dân sinh ở thế kỷ 23 (từ năm 2200 tới hết năm 2299): Đối với nam là 6, nữ là 7.
- Công dân sinh ở thế kỷ 24 (từ năm 2300 tới hết năm 2399): Đối với nam là 8, nữ là 9.
- Mã năm sinh: thể hiện 2 số cuối năm sinh của các công dân.
Mã định danh cá nhân dùng để làm gì?
Theo nội dung quy định trong Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP và Điều 7 của Thông tư 07/2016/TT-BCA:
Số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mã số này được dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin của các công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Theo đó, những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ được phép dùng mã số định danh cá nhân trên thẻ CCCD để thực hiện kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, số định danh cá nhân còn được dùng để thay thế 1 số loại giấy tờ liên quan tới nhân thân (bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu và những giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi làm thủ tục liên quan tới lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Kể từ 01/07/2021, Luật Cư trú năm 2020 bắt đầu có hiệu lực. Việc quản lý về cư trú của công dân sẽ dựa vào mã số định danh cá nhân và CSDL quốc gia về dân cư thay thế dần cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy.
Cách tra cứu số định danh cá nhân dễ dàng
Đối với người đã có Căn cước công dân
Đối với những đối tượng đã có Căn cước công dân thì số định danh cá nhân là dãy số gồm có 12 số trên Căn cước công dân.
Đối với người chưa có CMND/Căn cước công dân 12 số
Người chưa có Căn cước công dân có thể tiến hành tra cứu xem số định danh cá nhân của mình ở trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú theo các bước sau đây:
- Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/portal/p/home/dvc-gioi-thieu.html sau đó chọn Đăng nhập
- Bước 2: Đăng nhập bằng tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia của mình.
- Bước 3: Chọn vào biểu tượng LƯU TRÚ tại trang chủ để có thể tra số định danh cá nhân của chính mình.
- Bước 4: Lúc này, số định danh cá nhân của bạn sẽ hiển thị tại mục THÔNG TIN NGƯỜI THÔNG BÁO.
Cách xác định mã định danh cá nhân cho trẻ em
Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai việc cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Bởi vậy, mỗi công dân đều có 1 số định danh cá nhân ở trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, do chưa được cấp Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân nên trẻ em không thể nào đăng nhập Cổng dịch vụ công để tiến hành tra cứu số định danh. Bởi vậy, việc tra cứu số định danh cá nhân cho trẻ em có thể thực hiện trực tiếp ở trên Giấy khai sinh của trẻ.
Nếu không thể tìm thấy số định danh cá nhân của trẻ ở trên giấy khai sinh, phụ huynh có thể liên hệ tới công an khu vực nơi đã đăng ký giấy khai sinh cho trẻ để được cung cấp mã số này.
Khi đi lấy số định danh cá nhân cho con, các bậc phụ huynh cần mang theo sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của con mình.
Khi nào công dân được cấp mã định danh cá nhân
Mã định danh cá nhân được cung cấp sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống 1 cách đồng bộ và thống nhất.
Theo quy định tại Điều 14, 15 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, công dân được cấp số định danh cá nhân khi:
- Đăng ký làm giấy khai sinh.
- Làm căn cước công dân (đối với những trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú tuy nhiên chưa được cấp số định danh cá nhân hoặc đối với các trường hợp công dân đang sử dụng Chứng minh thư nhân dân 9 số và chuyển sang đăng ký Căn cước công dân).
Trên đây là những thông tin cơ bản lý giải mã số định danh là gì? Cách tra cứu số định danh cá nhân như thế nào? Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới mã số này, hãy liên hệ ngay tới Luật Hùng Sơn nhé!