Đầu tư thực hiện việc mua bán bitcoin đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Bitcoin thu hút các nhà đầu tư vì khả năng kiếm lời từ nó. Bitcoin là gì? Bitcoin có hợp pháp ở Việt Nam không? Luật Hùng Sơn xin giới thiệu với các bạn ở bài viết sau đây:
1. Bitcoin là gì?
Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số nó được phát hành từ năm 2009 dưới dạng phần mềm mã nguồn mở do một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto tạo lập. Đồng tiền ảo bitcoin này có thể được trao đổi trực tiếp bằng các thiết bị kết nối Internet với nhau mà không cần thông qua bất kì một tổ chức tài chính trung gian nào.
Với những đặc tính quan trọng của Bitcoin như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí, càng ngày, bitcoin càng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận sử dụng nó.
2. Mua bán bitcoin có hợp pháp ở Việt Nam không?
Hiện nay, Bitcoin được hiểu là tiền ảo, tiền điện tử và không phải là tiền mặt.
Căn cứ theo Khoản 6 điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt cụ thể như sau:
Phương tiện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và một số các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước ở đây cũng không quy định Bitcoin là một trong các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt).
Căn cứ theo Khoản 7 điều này cũng quy định về phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định nói trên.
Như vậy, có thể hiểu Bitcoin (cũng như một số loại tiền ảo khác) sẽ không phải là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật Việt Nam công nhận. Do vậy, việc giao dịch đồng Bitcoin tại Việt Nam hiện nay là không hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Quy định về tiền điện tự tại Việt Nam
Hiện tại, mặc dù thuật ngữ tiền điện tử tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể trong bất kì các văn bản quy phạm pháp luật nào, song nó đã tồn tại dưới hình thức thẻ trả trước và Ví điện tử. Việc quản lý đối các loại hình tiền điện tử này đã được điều chỉnh tại một số văn bản quy phạm pháp luật sau:
– Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 trong đó:
Khoản 3 Điều 2 có quy định Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, các hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện các chức năng của NHTW về việc phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ của Chính phủ.
Khoản 2 Điều 28 có quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện về việc quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
– Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có nêu:
Căn cứ theo Khoản 15 Điều 4 có quy định việc cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán qua hình thức séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua chính tài khoản của khách hàng.
Căn cứ theo Điều 97 quy định về hoạt động ngân hàng điện tử như sau: Tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện các hoạt động về kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN về việc quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 98 về hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại quy định về Cung ứng các phương tiện thanh toán.
– Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 có quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 4 như sau: Phát hành công cụ chuyển nhượng hoặc thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử.
– Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101 về TTKDTM):
Căn cứ theo Khoản 6, Điều 4 quy định thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong các giao dịch thanh toán sẽ bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ theo Khoản 8, Điều 4 quy định về dịch vụ Ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh cụ thể do các tổ chức cung ứng dịch vụ đã tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động hay máy tính…), việc cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ sẽ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi đó sẽ tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo cho việc thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ là 1:1.
Như vậy, mặc dù hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng để quy định về tiền điện tử tại Việt Nam, tuy nhiên, xét về bản chất thì tiền điện tử cũng đã được quy định dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hình thức biểu hiện của tiền điện tử như là thẻ trả trước hay ví điện tử.
Ngày nay, thẻ trả trước hoặc ví điện tử đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các giao dịch trong việc thanh toán nền kinh tế. Tuy nhiên, một số loại hình bản chất cũng tương tự như tiền điện tử dưới dạng hình lưu trữ những giá trị đang được sử dụng (ví dụ như thẻ Games online hay số tiền lưu trữ trong điện thoại dùng để thanh toán…) không do ngân hàng thực hiện việc phát hành và chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể cũng như cơ chế chính sách để quản lý, điều chỉnh nó.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Hùng Sơn về Bitcoin là gì? Bitcoin có hợp pháp ở Việt Nam không? Nếu các bạn còn những vướng mắc, khó khăn bất cứ vấn đề nào nào xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số Tổng đài: 19006518