Trường hợp nào được thay đổi tên, các trường hợp được đổi tên trong giấy khai sinh, thủ tục đổi tên cho người trên 18 tuổi, cá nhân có quyền đổi tên, trong các trường hợp nào, thủ tục thay đổi tên đệm trong giấy khai sinh, có đổi tên khai sinh được không, thủ tục cải chính tên… cụ thể qua câu hỏi và câu trả lời dưới đây:
Câu hỏi: Xin chào Luật sư! tôi muốn đổi họ cho con theo họ cha dượng được không ? Quy định về thay đổi họ tên trên giấy khai sinh như nào? Những trường hợp nào được thay đổi tên? Xin cảm ơn!
Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Dân sự 2015
– Luật Nuôi con nuôi
Luật sư tư vấn trả lời
Việc đổi họ cho con sang họ cha dượng là không được phép thực hiện. Lý do dẫn đến việc không thể thay đổi tên cho con theo họ của cha dượng như sau: theo quy định của Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015, việc thay đổi hok cho con theo họ của Cha dượng không phải là trường hợp đã được quy định cụ thể dưới đây:
– Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
– Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
– Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
– Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
– Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
– Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Do vậy, để thực hiện việc đổi họ cho con sang họ cha dượng thì cha dượng có thể nhận con riêng của vợ làm con nuôi sau đó thực hiện việc đổi họ theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 27 Bộ luật Dân sự 2015: Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi.
Trong 08 trường hợp được đổi họ nêu trên, thì chỉ khi bố dượng nhận con vợ làm con nuôi thì mới có cơ sở để đổi họ cho con. Tuy nhiên, để có thể nhận con riêng của vợ làm con nuôi thì việc này phải được sự đồng ý của bố đẻ trẻ.
Theo Luật Nuôi con nuôi 2010, cha dượng, mẹ kế nhận con nuôi thì con nuôi phải dưới 18 tuổi.
Thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp bố dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có (Điều 17 Luật Nuôi con nuôi):
– Đơn xin nhận con nuôi;
– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
– Phiếu lý lịch tư pháp;
– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân của người nhận con nuôi.
Trogn trường hợp nhận nuôi có yếu tố nước ngoài thì cần thêm Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; Bản điều tra về tâm lý, gia đình…
Hồ sơ cần chuẩn bị của người được nhận nuôi bao gồm:
– Giấy khai sinh;
– Giấy khám sức khỏe của người được nhận nuôi do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá sáu (06) tháng.
Đối với trẻ em được nhận nuôi có yếu tố nước ngoài cần có thêm văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi, để tiến hành làm thủ tục nhận con nuôi, cần nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền sau:
– Khi nhận nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân (UBND) xã/phường/thị trấn nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi;
– Khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi;
– Khi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: đăng ký tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
UBND hoặc Sở Tư pháp nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành xong việc lập ý kiến như sau:
– Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ đã chết/ mất tích/ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; trường hợp nhận trẻ em từ đủ chín (09) tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó;
– Người đồng ý cho làm con nuôi phải được UBND cấp xã hoặc Sở Tư pháp nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về tất cả các mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi;
– Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất mười lăm (15) ngày.
Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.
Bước 3: Đăng ký việc nuôi con nuôi
Khi xét thấy người nhận con nuôi, người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định thì UBND tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý theo quy định phải lấy ý kiến.
Nếu UBND xã từ chối hồ sơ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Sở Tư pháp trình, UBND cấp tỉnh quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi; trường hợp từ chối thì phải trả lời cho người nhận con nuôi bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi hoàn thành thủ tục nhận con nuôi, cha dượng đã có cơ sở đổi họ cho con riêng của vợ sang họ của mình.
Cha dượng yêu cầu thay đổi họ tên nộp Tờ khai cải chính hộ tịch theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Đồng thời, cần xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi họ, tên và các giấy tờ có liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên của người đó.