Khi ly hôn, nếu không có thỏa thuận, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng. Vậy nếu đang thất nghiệp thì liệu có cơ hội giành quyền nuôi con khi ly hôn không?
Nói chung, giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề tương đối phức tạp đặc biệt là khi một trong hai bên đang thất nghiệp, không có thu nhập. Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này thông qua tổng đài 1900 6581 của Luật Hùng Sơn.
1. Chưa có việc làm, chồng ngoại tình, ly hôn có được nuôi con?
Câu hỏi:
Em và chồng cưới nhau được hơn 02 năm, có một em bé 18 tháng. Sau khi hết hạn nghỉ thai sản vì chỗ làm của em quá xa và dịch phức tạp quá không có chỗ gửi bé nên chồng nói em ở nhà chăm con để chồng đi làm.
Đợt dịch công ty thuê khách sạn cho nhân viên ở, không được về nhà nên chồng em đi 03 tháng mới về. Hôm qua em mới phát hiện ra chồng ngoại tình với người yêu cũ làm cùng cơ quan, họ còn ăn ngủ với nhau nữa. Em đã chụp lại toàn bộ tin nhắn thân mật giữa hai người và có cả đoạn 02 đứa nhắn tin hỏi thăm nhau sau lúc quan hệ nữa. Vậy đã đủ bằng chứng để tố cáo chồng ngoại tình và giành quyền nuôi con chưa ạ?
Em có giấy đăng kí kết hôn còn hộ khẩu vẫn ở nhà mẹ ruột, gia đình em vẫn chưa làm sổ hộ khẩu, chồng và con gái em đang nằm trong hộ khẩu nhà mẹ chồng. Em chưa có việc làm mà chồng ngoại tình thì em vẫn có quyền nuôi con đúng không ạ?
Trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề chồng bạn ngoại tình, theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc đang có vợ/có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác là một trong những hành vi bị cấm.
Đồng thời, bạn còn chụp lại toàn bộ tin nhắn làm bằng chứng cho việc chồng bạn ngoại tình với người yêu cũ thì đây được xem là chứng cứ để tố cáo chồng bạn ngoại tình.
Do đó, khi chồng bạn ngoại tình, bạn lại có bằng chứng cho hành vi ngoại tình của chồng thì bạn có thể khởi kiện, tố cáo chồng ngoại tình và giành được “ưu thế” trong việc chia tài sản…
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người nào ngoại tình sẽ bị phạt từ 03 – 05 triệu đồng với hành vi đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn, chung sống như vợ, chồng với người khác; chưa có chồng/có vợ mà chung sống với người mình biết rõ đang có vợ/chồng.
Ngoài ra, nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm hoặc khiến một trong hai bên hoặc cả hai bên ly hôn thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, Tội này có khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù.
Thứ hai, về việc giành quyền nuôi con, vì con bạn mới 18 tháng tuổi nên theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác.
Với trường hợp của bạn, do vợ, chồng bạn không có thỏa thuận về việc để chồng bạn nuôi dưỡng nên Tòa án sẽ xem xét nhiều yếu tố:
- Vì quyền lợi về mọi mặt cho con
- Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi dưỡng trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi con.
2. Thất nghiệp ở cùng bố mẹ đẻ có được nuôi con khi ly hôn?
Câu hỏi:
Cho em hỏi, vợ chồng em có một đứa con 04 tuổi, hiện tại em lại đang mang bầu 35 tuần. Do ba tháng trước vợ chồng em có mâu thuẫn nên chồng em đánh em và trong 03 tháng đó vợ chồng em sống ly thân. Hiện tại giờ em với con 04 tuổi đã về ở với bố mẹ đẻ em được 01 tháng rồi và trong thời gian 01 tháng đó chồng e không gọi điện hay hỏi thăm gì mẹ con em hết.
Chồng em trước thì đi làm tự do, không có phiếu lương cũng không có mức lương cụ thể, có tháng thì đưa em được 03 triệu, tháng thì không đưa đồng nào. Còn em thì có ở nhà chăm con với có bầu nên không đi làm được nhưng con thì từ bé đến lớn đều ở với em.Giờ em muốn làm đơn ly hôn thì ghi lý do là gì để được quyền nuôi con ạ?
Chồng em cũng đồng ý ly hôn nhưng muốn giành quyền nuôi đứa con 04 tuổi, em không có tiền nhưng bố mẹ đẻ em đồng ý nuôi con em thì liệu em có được nuôi con không ạ? Em phải làm gì để được quyền nuôi con đây ạ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Do đó, nếu chồng bạn không yêu thương, không có trách nhiệm với gia đình cũng như không thực hiện nghĩa vụ giữa vợ, chồng và cha, mẹ với con thì bạn có thể yêu cầu Tòa án ly hôn căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo bạn trình bày, hoàn cảnh vợ chồng bạn như sau: Hiện bạn đang sống ly thân với chồng, hàng ngày, chồng bạn cũng không đưa tiền sinh hoạt cho bạn, đồng thời còn đánh đập bạn…
Đây có thể được xem là căn cứ để bạn có thể yêu cầu Tòa án ly hôn đơn phương với chồng.
Về việc nuôi con, nếu hai vợ chồng không có thỏa thuận thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án sẽ căn cứ vào độ tuổi của con để xem xét người trực tiếp nuôi con như sau:
– Con từ đủ 07 tuổi thì Tòa án xem xét nguyện vọng của con.
– Con chưa đủ 36 tháng tuổi thì giao cho mẹ khi người mẹ đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Với trường hợp của bạn, do con bạn đã 04 tuổi và một em bé chưa sinh ra nên để giành được quyền nuôi con thì bạn cần phải chứng minh những điều kiện sau đây:
– Điều kiện vật chất gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà bạn có thể dành cho con, tài sản mà hiện ban đang có cũng như chỗ ở ổn định (nhà của bố mẹ đẻ bạn) …
– Điều kiện tinh thần: Do hiện nay bạn chưa có việc làm lại đang mang bầu nên bạn hoàn toàn có thời giản rảnh để chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí…
– Căn cứ khác: Người cha thờ ơ, không quan tâm chăm sóc con; Bỏ mặc mọi trách nhiệm nuôi dạy con cho bạn; Người cha còn có hành vi bạo lực đối với bạn… đó là hành vi đáng lên án và không nên để trẻ tiếp xúc với những hành vi không hay đó…
Có thể thấy, việc bố mẹ đẻ bạn đồng ý nuôi con bạn cũng là một trong những yếu tố để bạn có thể giành được quyền nuôi con. Tuy nhiên, đấy không phải là tất cả. Bạn còn phải chứng minh nhiều yếu tố khác nữa (ví dụ như những điều đã phân tích ở trên) thì tỷ lên giành quyền nuôi con của bạn mới có thể được đảm bảo hơn.
3. Không đi làm có giành được quyền nuôi cả hai con không?
Cho em hỏi nhờ ạ, em và chồng em kết hôn gần 03 năm, hiện tại có 02 đứa con chung, đứa hơn 02 tuổi, đứa 03 tháng ạ. Giờ em muốn ly hôn có được giành quyền nuôi cả hai con không ạ? Lúc em với chồng cãi nhau, chồng em tức giận có ký tên cho em được nuôi cả hai, mà giờ chồng em đòi chia ạ. Hiện tại, em đang nghỉ việc để ở nhà chăm sóc hai con nhỏ ạ.
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận việc thỏa thuận của hai vợ, chồng. Vì câu hỏi của bạn không nêu rõ là chồng bạn đòi nuôi con khi bạn đã nộp đơn ly hôn chưa hay việc ly hôn của hai bạn đã thực hiện xong chưa.
Theo tình huống của bạn, vì hai con đều đang dưới 36 tháng tuổi nên nếu bạn có đủ điều kiện để nuôi dưỡng cả hai bé thì bạn sẽ được ưu tiên nuôi cả hai bé và chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho các cháu.
Tuy nhiên, nếu bạn không có đủ điều kiện thì các bé có thể sẽ được giao cho người cha. Do đó, khi chồng bạn không muốn giao quyền nuôi cả hai con cho bạn thì Tòa án sẽ xem xét lại các điều kiện của cả hai người để quyết định giao con cho ai trong hai người nuôi dưỡng.
Bởi vậy, bạn cần phải chứng minh mình có đủ điều kiện nuôi cả hai con. Nếu hiện bạn đang thất nghiệp nhưng bạn vẫn có nguồn thu nhập khác cùng thời gian ở bên các con… thì hoàn toàn có phần thắng trong “cuộc chiến” giành quyền nuôi con này.
Do câu hỏi của bạn không nêu rõ trường hợp của vợ, chồng bạn nên để được tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể gọi đến tổng đài tư vấn ly hôn miễn phí của Luật Hùng Sơn tại 1900 6581 để được giải đáp.