Quyết toán là một việc mà các doanh nghiệp thường thực hiện khi kinh doanh. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ về khái niệm này. Vì vậy, trong bài viết này công ty Luật Hùng Sơn xin chia sẻ tới quý bạn đọc thông tin chi tiết về khái niệm quyết toán là gì, quyết toán trong tiếng anh là gì, quyết toán thuế, quyết toán ngân sách nhà nước là gì,..
Quyết toán là gì?
Quyết toán là quá trình tập hợp, kiểm tra, thống kê tất cả các số liệu về khối lượng, giá trị một cách hợp lệ, đúng đắn về công việc tại một đơn vị, cơ quan đối với một đơn vị, cơ quan khác. Quyết toán là công việc do các kế toán đảm nhiệm. Kế toán có nhiệm vụ thống kê, tổng hợp các khoản thu và chi của đơn vị mình để báo cáo lại cho cấp trên.
Quyết toán trong tiếng anh là gì?
Quyết toán trong tiếng anh là Final settlement, cụ thể được định nghĩa như sau:
- Final settlement means the collecting, gathering and summarizing essential elements of all work performed by an organization or individual with another organization or individual at the end of a construction work. , whereby the assignor fulfills its payment obligations to the assignee.
- In addition, in the field of accounting settlement it is defined as follows:
- Final settlement is financial records produced by a company at the end of ít business year to show the profit, loss, has made during the year.
Quyết toán thuế là gì?
Quyết toán thuế là việc thống kê, thu thập và xác định các số liệu có liên quan đến thuế của một doanh nghiệp. Quyết toán thuế là một công việc mà doanh nghiệp bắt buộc phải làm sau thời gian thành lập.
Khi quyết toán thuế doanh nghiệp phải kê khai, tính toán và nộp đủ số tiền thuế cho cơ quan thuế. Đồng thời, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các số liệu đã kê khai, thống kê. Việc quyết toán thuế phải có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Những lưu ý khi quyết toán thuế của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp thường đề cao và quan tâm tới việc quyết toán thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể bị kiểm tra thuế đột xuất, vì vậy mà các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý các vấn đề được liệt kê dưới đây:
- Trong suốt quá trình quyết toán thuế, có những trường hợp sai sót về con số thì doanh nghiệp cần phải lập tờ kê khai bổ sung, photo hóa đơn bị sai ra rồi kẹp lại thành một bản cùng với tờ kê khai điều chỉnh.
- Những hóa đơn mà có giá trị lớn nhưng vẫn chưa được thanh toán thì doanh nghiệp cần phải chuẩn bị một số tài liệu, giấy tờ cho cơ quan chức năng có thể kiểm tra như: hợp đồng trả chậm, trả dần,…
- Đối với những công việc đã thực hiện nghiệm thu và đã thu tiền nhưng lại không xuất hóa đơn, thì doanh nghiệp cần bổ sung thông tin và xuất hóa đơn bù.
Quyết toán ngân sách nhà nước ̣(NSNN) là gì?
Quyết toán ngân sách nhà nước là việc đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách tài chính ngân sách của quốc gia và ngân sách, cũng như xem xét các trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước khi sử dụng nguồn lực tài chính của quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, được cơ quan cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.
Nguyên tắc quyết toán ngân sách nhà nước
- Theo nguyên tắc đầy đủ thì tất cả các nghiệp vụ thu, chi sẽ đều phải hạch toán và quyết toán với NSNN. Ngoài các khoản thu chi để cân đối ngân sách còn phải báo cáo kèm theo các khoản có liên quan chặt chẽ với NSNN như các quỹ: bảo hiểm xã hội, dự trữ tài chính, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ phát triển,… Ngoài ra, còn phải báo cáo kèm các khoản thu để lại chi, các khoản thuế miễn giảm,…
- Việc quyết toán NSNN phải đảm bảo có sự thống nhất từ cơ sở đến cơ quan quản lý tài chính ngân sách. Sự thống nhất được thể hiện từ khâu hạch toán kế toán tổng hợp quyết toán cho đến khi kiểm toán quyết toán NSNN. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải có sự thống nhất trong tổ chức hệ thống thông tin về ngân sách.
- Các khoản thu và chi ngân sách phải đảm bảo cân đối: Đây là một nguyên tắc luôn luôn phải được quan tâm, cụ thể là, ngay từ khâu lập dự toán NSNN phải đảm bảo sự cân đối giữa thu và chi ngân sách; trong quá trình chấp hành ngân sách cũng thường xuyên phải chú ý tới việc thiết lập lại quan hệ cân đối thu, chi. Trường hợp bội chi thì phải có nguồn bù đắp và tuân thủ các điều kiện trả, điều kiện vay theo quy định.
Cân đối quyết toán NSNN còn thể hiện ở việc cân đối tổng thể trong nền kinh tế, đảm bảo các khoản thu được huy động vào NSNN đủ để có thể đáp ứng các khoản chi tiêu. Qua việc quyết toán NSNN giúp nhà nước có thể đánh giá được tình trạng mất cân đối với các khoản chi hay tình trạng lạm thu.
Một số quy định về công tác quyết toán ngân sách nhà nước
Phạm vi quyết toán ngân sách nhà nước
Phạm vi các khoản thu, các khoản chi NSNN được tổng hợp quyết toán NSNN hàng năm. Các khoản thu và chi này được quy định tại Điều 5 Luật NSNN 2015. Chi tiết như sau:
Thứ nhất, Các khoản thu NSNN bao gồm: Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; các khoản phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nộp NSNN; các khoản thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện (đối với trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động thì khoản chi phí hoạt động sẽ được khấu trừ trước khi tính khoản thu để nộp vào NSNN); và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản thu được tổng hợp trong quyết toán thu NSNN phải là số thu đã thực nộp, đã được hạch toán thu NSNN theo quy định. Số thu này phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và đầy đủ.
Thứ hai, Các khoản chi NSNN bao gồm: chi dự trữ quốc gia; chi đầu tư phát triển; chi thường xuyên… và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi được tổng hợp trong quyết toán chi NSNN phải là số chi đã thực thanh toán và đã được hạch toán chi NSNN theo luật định. Các khoản chi mà không đúng với quy định của pháp luật thì phải thu hồi đầy đủ cho NSNN.
Quy trình quyết toán ngân sách nhà nước
Bước 1: Đơn vị lập quyết toán và gửi Báo cáo quyết toán NSNN
Khi kết thúc năm ngân sách, các đơn vị sử dụng NSNN phải thực hiện khóa sổ kế toán, xử lý ngân sách cuối năm. Đồng thời, đối chiếu với Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để có thể xác nhận số liệu, từ đó lập ra Báo cáo quyết toán NSNN. Báo cáo này được gửi đến đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt. Sau đó, đơn vị dự toán cấp trên này sẽ tổng hợp và gửi đến đơn vị dự toán cấp I xét duyệt. Sau khi xét duyệt quyết toán của các đơn vị, cơ quan trực thuộc, đơn vị dự toán cấp I sẽ tổng hợp và lập Báo cáo quyết toán NSNN gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện hiện thẩm định quyết toán NSNN theo đúng quy định.
Bước 2: Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước thực hiện thẩm định Báo cáo quyết toán NSNN
- Đối với ngân sách địa phương:
Cơ quan tài chính thực hiện thẩm định quyết toán NSNN của ngân sách cấp dưới và quyết toán của đơn vị dự toán cấp I cùng cấp. Sau đó, cơ quan tài chính thực hiện tổng hợp quyết toán NSNN cấp mình và ngân sách cấp dưới gửi cho cơ quan tài chính cấp trên thẩm định.
Theo quy định tại Điều 67 của Luật NSNN năm 2015 thì Bộ Tài chính không thực hiện thẩm định quyết toán ngân sách năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, nếu trong quá trình tổng hợp quyết toán NSNN mà phát hiện có sai sót thì Bộ Tài chính hoàn toàn có thể yêu cầu UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại số liệu. Trường hợp mà phát hiện sai phạm, Bộ Tài chính cũng có thể xử lý theo thẩm quyền của mình hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo luật định.
Kết thúc quá trình thẩm định quyết toán NSNN, cơ quan tài chính trình UBND để trình HĐND ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Sau đó, cơ quan tài chính gửi quyết toán ngân sách địa phương cho Bộ Tài chính Nghị quyết phê chuẩn để làm căn cứ tổng hợp quyết toán NSNN.
- Đối với ngân sách trung ương:
Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính (các Cục, Vụ, Tổng cục) chủ trì thẩm định các khoản chi NSNN như: chi đầu tư, chi thường xuyên, chi vay nợ, chi dự trữ quốc gia, chi viện trợ,…
Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính sẽ gửi xin ý kiến Kho bạc nhà nước về thẩm định quyết toán NSNN của cơ quan trung ương, các Bộ. Căn cứ tài liệu quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương và số liệu trên hệ thống TABMIS, Kho bạc nhà nước tham gia ý kiến gửi các Cục, Vụ, Tổng cục chuyên ngành để cơ quan này tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành Thông báo thẩm định quyết toán NSNN của các cơ quan trung ương, các Bộ, kèm yêu cầu điều chỉnh lại số liệu hoặc kiến nghị, nhận xét.
Bước 3: Kho bạc nhà nước trung ương tổng hợp và lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Theo quy định tại Quyết định 26 thì nhiệm vụ tổng hợp và lập Báo cáo quyết toán NSNN hằng năm sẽ được giao cho Kho bạc nhà nước thực hiện dựa trên số liệu thu NSNN, chi NSNN, số liệu ngân sách địa phương do Vụ ngân sách nhà nước tổng hợp trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và Thông báo thẩm định quyết toán NSNN của các cơ quan trung ương, các Bộ (đối với ngân sách trung ương). Báo cáo quyết toán NSNN sẽ được Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định.
Bước 4: Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN
Để đảm bảo tính trung thực, đúng đắn của số liệu trong quyết toán NSNN, Luật NSNN đã quy định: trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn thì Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN; trước khi gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.
Chậm nhất là vào ngày 01/10 hằng năm, các cơ quan trung ương, các Bộ, các địa phương phải gửi cho Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán NSNN để thực hiện kiểm toán.
Đối với Báo cáo quyết toán NSNN được tổng hợp từ Báo cáo quyết toán của các cơ quan trung ương, các Bộ và các địa phương thì chậm nhất là vào ngày 28/02 năm sau nữa của năm quyết toán, Kho bạc nhà nước hoặc Bộ tài chính phải gửi Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN trước khi trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn. Sau khi gửi Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán NSNN, Kho bạc nhà nước phối hợp với các Cục, Vụ, Tổng cục giải trình với Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu.
Bước 5: Quốc hội phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Trước khi Chính phủ trình Quốc hội thì Báo cáo quyết toán NSNN phải được Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra. Bởi Ủy ban Tài chính – Ngân sách có chức năng là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội về lĩnh vực tài chính – ngân sách.
Việc thẩm tra này được thực hiện căn cứ vào các thông tin do cơ quan kiểm toán báo cáo, Báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ và kết quả hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội và các Uỷ ban. Quá trình thẩm tra có thể thực hiện thông qua nhiều bước. Khi kết thúc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Báo cáo thẩm tra về Báo cáo quyết toán NSNN để UBTVQH cho ý kiến và trình Quốc hội.
Căn cứ vào Báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo quyết toán NSNN do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Quốc hội sẽ thực hiện xem xét, thảo luận, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN, Chính phủ có nghĩa vụ phải công khai quyết toán NSNN kèm theo Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN để mọi người dân có thể tiếp cận với số liệu và tài liệu quyết toán NSNN.
Hy vọng những thông tin về quyết toán là gì, quyết toán tiếng anh là gì, quyết toán thuế và quyết toán ngân sách nhà nước mà Luật Hùng Sơn chia sẻ ở trên sẽ hữu ích với bạn. Mọi thắc mắc về vấn đề liên quan, Quý độc giả vui lòng liên hệ hotline 19006518 để được hỗ trợ. Trân trọng!
- Thủ Tục Giải Thể Công Ty – Doanh Nghiệp Theo Quy Định Năm 2023 - 05/11/2023
- Địa chỉ làm lý lịch tư pháp ở Hà Nội trong ngày - 18/10/2023
- Lý lịch tư pháp online theo đúng quy định hiện nay - 18/10/2023