logo

Những điều cần lưu ý khi thực hiện nhờ mang thai hộ

Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã trở thành một giải pháp phổ biến đối với các cặp vợ chồng không thể có con theo cách tự nhiên. Nhằm góp phần đảm bảo quyền làm cha, là mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây cũng là một giải pháp được nhiều cặp vợ chồng vô sinh lựa chọn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người chưa hiểu hết các quy định của pháp luật về vấn đề này. Do đó, nhằm giúp những người quan tâm đến chế định này biết và thực hiện đúng cũng như đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì Luật Hùng Sơn chia sẻ tư vấn với bài viết cụ thể dưới đây.

Quảng cáo

Thứ nhất, pháp luật chỉ cho phép hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Hiện nay mang thai hộ được chia thành hai trường hợp là mang thai hộ vì mục đích thương mại và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, pháp luật chỉ mới công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp. Sở dĩ như vậy là vì có sự khác nhau về mục đích trong hai trường hợp này. Trong khi mục đích mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là bên mang thai hộ tự nguyện, không vì lợi ích vật chất hoặc một lợi ích nào khác thì mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Điều này dễ dẫn đến nhiều biến tướng vi phạm các quy định của pháp luật đồng thời xâm hại đến các quan hệ mà pháp luật bảo vệ. Mục đích của hoạt động này chỉ vì các lợi ích mà không có bất kì điều kiện nào đối với các bên mà chỉ căn cứ vào nhu cầu của họ. Chính vì thế, mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hoạt động mang tính rủi ro rất cao đối với các bên tham gia quan hệ này. Không những thế, nó còn khiến người mang thai hộ có nguy cơ trở thành một công cụ sản xuất và đứa trẻ là một món hàng. Do đó, hoạt động này trái với luân thường đạo lý, thuần phong mĩ tục nên pháp luật Việt Nam cấm triệt để việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

những lưu ý khi nhờ mang thai hộ

Thứ hai, về quyền yêu cầu li hôn sau khi thực hiện nhờ mang thai hộ

Người chồng của người phụ nữ mang thai hộ bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn trong thời gian người vợ đang mang thai hộ, người vợ sinh đứa trẻ chưa đủ 12 tháng. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn ngay cả trong thời gian nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp được toà án xác định đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ không phải là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thì người chồng không bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn. Bởi khi đứa trẻ không phải là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thì người chồng không chịu sự chi phối của bất kì điều kiện nào về hạn chế quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ được xác định có huyết thống của một trong hai bên vợ chồng nhờ mang thai hộ và họ được xác định cha mẹ của đứa trẻ đó thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn. Những trường hợp hạn chế quyền li hôn của người chồng xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ và ưu tiên người mẹ. Mặt khác, cũng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ.

Thứ ba, về thủ tục khai sinh cho trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ

Quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra và được xác định là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Vì bậy, họ có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và tên bố mẹ trong giấy khai sinh sẽ là tên của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Trong hồ sơ đăng kí khai sinh, bên cạnh những giấy tờ cần phải nộp như các trường hợp thông thường, cần bổ sung văn bản thoả thuận mang thai hộ để chứng minh tư cách chủ thể thực hiện việc khai sinh cho đứa trẻ, bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu. Bởi vì theo pháp luật hiện hành, trong thủ tục đăng kí khai sinh, người đi đăng kí khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (nhằm chứng minh việc sinh là có thật và về nguyên tắc, người được ghi trong giấy chứng sinh là mẹ của đứa trẻ đó). Tuy nhiên, trong trường hợp mang thai hộ, giấy chứng sinh lại ghi tên người mang thai hộ chứ không phải ghi tên người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ nhưng toà án xác định cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không phải là cha mẹ của đứa trẻ thì việc khai sinh cho trẻ em phải thực hiện theo việc khai sinh trẻ bị bỏ rơi. Phần họ tên cha bỏ trống, ngay cả trong trường hợp này, giấy chứng sinh không có ý nghĩa trong việc xác định mẹ của đứa trẻ do người sinh ra đứa trẻ là người mang thai hộ.

Quảng cáo

Thứ tư, về điều kiện nhận nuôi con nuôi

Pháp luật ưu tiên bên mang thai hộ được quyền nhận đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ làm con nuôi trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, ở đây, hiện tại đang có sự mâu thuẫn giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật nuôi con nuôi 2010. Luật Nuôi con nuôi quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi. Pháp luật vẫn chưa có quy định ưu tiên áp dụng luật nào trước vì theo nguyên tắc áp dụng luật, hai văn bản quy phạm pháp luật này có giá trị pháp lý ngang nhau.

Thứ năm, giải quyết tranh chấp và xử lý hành vi vi phạm về việc mang thai hộ

Về giải quyết tranh chấp, tranh chấp về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là những tranh chấp về thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án, cụ thể là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Đối với vấn đề xử lý các sai phạm trong hoạt động mang thai hộ, các bên trong quan hệ mang thai hộ vi phạm điền kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự (Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể Điều 100 này, Bộ luật Dân sự, Luật Hành chính cũng chưa có một quy định nào liên quan tới chế tài xử lý hành vi vi phạm về mang thai hộ. Điều này làm cho các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống.

Trên đây là những lưu ý đặc biệt mà Luật Hùng Sơn cân nhắc để khi bạn lựa chọn thực hiện nhờ mang thai hộ đảm bảo đúng luật cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ, mong bạn hãy liên hệ trực tiếp để được phục vụ tốt nhất!

Vui lòng đánh giá!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top