I. TÓM TẮT YÊU CẦU TƯ VẤN PHÁP LÝ
- Có được làm thêm vượt quá 200 giờ/năm không ?
- Thủ tục thực hiện việc tổ chức làm thêm giờ ?
- Việc sai phạm năm có bị xử lý của cơ quan Nhà nước không?
II. ĐÁNH GIÁ PHÁP LÝ
1. Có được làm thêm vượt quá 200 giờ/năm không?
Theo pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động. Để tránh những trường hợp, người sử dụng lao động bóc lột sức lao động của người lao động. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt thì người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động làm thêm hơn 200 giờ nhưng không được quá 300 giờ trong 01 năm.
Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012:
“2. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”
Các trường hợp đặc biệt mà pháp luật quy định được tổ chức làm thêm quá 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm trong những trường hợp cần thiết như sản xuất, gia công những loại sản phẩm chỉ sản xuất trong 1 khoảng thời gian nhất định nếu để quá lâu sẽ không đạt được lợi ích cao nhất như chế biên nông, lâm, thủy sản. Những công việc liên quan đến nhu cầu thiết yếu của hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như sản xuất điện, viễn thông, cấp nước cũnglà một trong những trường hợp. Ngoài ra, còn những trường hợp khác mà xét thấy phải giải quyết một cách nhanh chóng thì cũng được tổ chức làm thêm giờ trên 200 giờ/năm.
Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013:
“2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:
a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:
– Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
– Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
– Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.”
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, doanh nghiệp phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì doanh nghiệp phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động.
Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2013:
“3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;
b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.”
2. Thủ tục thực hiện tổ chức làm thêm giờ ?
Khi người sử dụng lao động muốn tổ chức làm thêm giờ thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động-Thương bình và Xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Doanh nghiệp của người sử dụng lao động đặt trụ sở chính được biết.
Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013:
“ Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.”
Thủ tục thực hiện việc thông báo như sau:
- Công văn thông báo làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;
- Văn bản thỏa thuận của người lao động;
- Phương án làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
3. Việc sai phạm có bị xử lý của cơ quan Nhà nước không?
Pháp luật quy định rằng người sử dụng lao động có hành vi huy động người lao động thực hiện việc làm thêm giờ quá 300 giờ/năm là vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt sẽ tùy thuộc vào việc người sử dụng lao động huy động nhiều hay ít người lao động thực hiện quá thời gian mà pháp luật quy định. Lưu ý rằng mức phạt dưới đây là áp dụng cho cá nhân, nếu như pháp nhân vi phạm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi so với mức phạt của cá nhân.
Căn cứ Điểm Khoản 4 Điều 17 Nghị định 28/2020:
“Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Ngoài ra, người sử dụng lao động đã không thực hiện việc thông báo cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của tỉnh, thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính được biết về việc tổ chức làm thêm giờ cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm của Công ty.
Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2020:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.”
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Sau ly hôn phụ nữ nên làm gì? 5 điều Nhất Định phải làm - 27/05/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/05/2023