Trong cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng trải đầy hoa. Việc ghen tuông trong hôn nhân là việc không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ghen vừa phải có thể là gia vị của tình yêu nhưng ghen quá mà dẫn tới hành vi đánh ghen không đúng như: đánh ghen, xúc phạm đối phương, … thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Hành vi đánh ghen là gì?
Hành vi đánh ghen có thể được hiểu là hành động của người vợ/chồng của người ngoại tình (“vợ/chồng”) dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực gây tổn hại đến sức khỏe hoặc danh dự, nhân phẩm của người được cho là có hành vi ngoại tình với vợ/chồng của người đó (“người kia”).
2. Các chế tài được áp dụng đối với hành vi đánh ghen:
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định trật tự công cộng:
– Trường hợp người vợ/chồng có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người kia.
Chế tài: Phạt tiền: Từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. (Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP)
– Trường hợp người vợ/chồng có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người kia.
Chế tài: + Phạt tiền: từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP)
+ Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật hoặc phương tiện gây thương tích cho người kia (Căn cứ Khoản 5 Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP)
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
a) Tội làm nhục người khác
Là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Ví dụ: Lột đồ người khác giữa đường hoặc trước sự chứng kiến của người khác, quay video bị làm nhục lên mạng xã hội,…
– Chế tài: + Hình phạt chính: Phạt tiền: khung hình phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng); hoặc Phạt tù: khung hình phạt cao nhất từ 2 năm đến 5 năm.
+ Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Căn cứ áp dụng: Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017
b) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Ví dụ: Dùng gậy đánh người bị thương cụ thể: gãy chân, gãy tay, bầm tím người hoặc cào mặt gây mất thẩm mỹ,…
– Chế tài: + Phạt tù: từ 7 năm đến 14 năm.
+ Phạt bổ sung: bồi thường thiệt hại
– Căn cứ áp dụng: Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017; Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015
3. Kiến nghị
Do đó, để tránh sự việc đi quá giới hạn gây thiệt hại về tài chính hoặc phải chịu trách nhiệm về hành vi đánh ghen vi phạm của mình thì bạn hãy là “người đánh ghen có văn hóa”. Trường hợp, bạn muốn cho người kia và chồng/vợ biết về hành vi sai trái của mình thì hãy thu thập chứng cứ xác đáng chứng minh quan hệ ngoại tình của chồng/vợ với tình nhân. Sau đó tiến hành tố cáo đến các cơ quan chức năng (có thể lựa chọn cơ quan công an hoặc UBND cấp xã) về hành vi “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”.
- Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - 01/12/2023
- Những số điện thoại không nên nghe mới nhất 2023 - 28/11/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/11/2023