Vấn đề thừa kế là hình thức pháp lý chủ yếu để bảo vệ các quyền công dân. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng có nhu cầu lập di chúc hoặc để kịp thời lại di chúc trước khi chết, trong những trường hợp đó đòi hỏi di sản thừa kế của phải được chia theo quy định của pháp luật. Để có thể chia di sản thừa kế theo pháp luật được, chúng ta cần xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất một cách đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để hiểu rõ hơn vấn đề hàng thừa kế thứ nhất là gì? Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những ai?, hãy cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của công ty Luật Hùng Sơn.
Thừa kế là gì?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự thì thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Tài sản người chết để lại được gọi là di sản. Di sản thừa kế sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và chia theo di chúc.
Trong đó, thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống, nhưng theo sự định đoạt của người có di sản khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận tại tại chương XXII.
Còn thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết sang cho người sống, nhưng theo quy định của pháp luật. Việc chia di sản thừa kế theo pháp luật được thực hiện nếu người chết không để lại di chúc hoặc người chết để lại di chúc nhưng di chúc này không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại chương XXIII.
Hàng thừa kế thứ nhất là gì? Gồm những ai?
Tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu cụ thể về các hàng thừa kế. Theo đó, thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ/ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Cụ thể như sau:
Giữa vợ, chồng với nhau
Quan hệ vợ chồng là một trong những mối quan hệ quan trọng, gần gũi và thân thiết nhất của cuộc đời mỗi con người. Do đó, vợ/ chồng là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất là hoàn toàn hợp lý.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình thì khi vợ hoặc chồng chết thì người còn lại sẽ được quản lý những tài sản chung của chồng hoặc vợ, trừ trường hợp trong di chúc người chết để lại hoặc những người thừa kế có quy định khác.
Khi có yêu cầu về việc chia di sản, nếu không có thỏa thuận khác, thì phần tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi. Bởi vậy, xét về mặt tình cảm hay xét về mặt pháp lý thì vợ/ chồng là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, theo quy định của Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015, cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt khi nhận thừa kế của vợ/ chồng gồm:
– Trước đó vợ, chồng đã chia tài sản chung trong khi hôn nhân còn tồn tại nhưng sau có một người chết thì người còn sống còn lại vẫn được hưởng thừa kế.
– Vợ, chồng làm thủ tục ly hôn nhưng chưa được Tòa án công nhận bằng một bản án hoặc quyết định hoặc đã được Tòa án công nhận nhưng bản án, quyết định của Tòa chưa có hiệu lực thì nếu một người chết người sống còn lại vẫn được thừa kế.
– Người đang là vợ/ chồng của một người thì sau này khi chia di sản thừa kế của người chết, người này vẫn được quyền hưởng thừa kế.
Giữa cha đẻ, mẹ đẻ với người chết
Quan hệ ruột thịt giữa cha, mẹ đẻ với người đã chết cũng là một trong những mối quan hệ gần gũi và quan trọng nhất của một người. Do đó, một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất không thể không kể đến cha đẻ, mẹ đẻ của người chết.
Giữa cha nuôi, mẹ nuôi với người chết
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, thì cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái kể từ ngày giao nhận con nuôi. Do đó, nếu việc nhận con nuôi là hợp pháp theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì cha nuôi, mẹ nuôi cũng có quyền, lợi ích cũng như có nghĩa vụ tương đương với cha đẻ, mẹ đẻ. Đồng thời, theo quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, con nuôi và cha mẹ nuôi được hưởng di sản thừa kế của nhau. Do đó, cha nuôi, mẹ nuôi cũng là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.
Giữa con đẻ, con nuôi với người chết
Như phân tích ở trên, không chỉ cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi mà cả con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi cũng được hưởng di sản thừa kế của nhau.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật đã quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm các đội tượng vợ/ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết là căn cứ vào quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và nuôi dưỡng của những đối tượng này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người cùng hàng thừa kế này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Các trường hợp chia thừa kế theo quy định pháp luật
Thừa kế theo pháp luật phát sinh khi xảy ra các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trường hợp người để lại di sản không có di chúc:Trường hợp người để lại di sản có di chúc hợp pháp, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo ý chí và nguyện vọng trong di chúc của người đó. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp người để lại di sản chết đột ngột mà không kịp để lại di chúc dẫn đến không thể căn cứ theo ý và nguyện vọng của họ để phân chia di sản. Vì vậy để đảm bảo di sản của người chết không để lại di chúc được phân chia một cách công bằng, hợp pháp, đồng thời tránh được những tranh chấp không đáng có, thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Thứ hai, trường hợp di chúc của người để lại di sản không hợp pháp
Di chúc chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật. Khi di chúc được coi là hợp pháp thì sẽ được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nếu di chúc của người để lại di sản không hợp pháp thì bản di chúc này sẽ không được coi là căn cứ để phân chia di sản của người đã chết. Do đó, lường trước được điều này xảy ra, pháp luật quy định trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì di sản được thừa kế theo pháp luật. Quy định như vậy đã góp phần đảm bảo lợi ích cho những người thừa kế, đồng thời, tránh việc có những kẻ xấu lợi dụng để hưởng phần thừa kế nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng khác.
Thứ ba, trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại ở thời điểm mở thừa kế.
Theo tinh thần của pháp luật dân sự thì người thừa kế theo di chúc là:
- Cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết
- Cơ quan, tổ chức còn tồn tại ở thời điểm mở thừa kế
Do đó nếu những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì phần di sản thừa kế được chia cho họ sẽ được thừa kế theo pháp luật. Bởi những đối tượng này không còn được coi là người thừa kế, phần di chúc đó sẽ vô hiệu.
Thứ tư, trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng pháp luật lại quy định họ không có quyền hưởng di sản hoặc người thừa kế theo di chúc từ chối nhận di sản.
Đối với những người được chỉ định thừa kế theo di chúc nhưng lại là người bị cấm hưởng di sản theo quy định pháp luật, phần di sản thừa kế được chia cho họ sẽ được phân chia theo quy định pháp luật để đảm bảo lợi ích của những người thừa kế khác.
Đối với những người được di chúc chỉ định thừa kế theo nhưng họ từ chối nhận di sản. Điều này đồng nghĩa với việc họ từ bỏ quyền hưởng di sản thừa kế của mình. Do vậy, phần di sản thừa kế được chia cho họ sẽ được phân chia theo quy định pháp luật để đảm bảo lợi ích của những người thừa kế khác.
Trên đây là nội dung thông tin về vấn đề hàng thừa kế thứ nhất là gì? Nếu còn bất kỳ thắc mắc, Quý độc giả vui lòng liên hệ đến hotline 1900.6519 để được các chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ giải đáp. Trân trọng!