Hôn nhân là sự gắn kết giữa người nam và người nữ. Pháp luật và nhà nước công nhận hôn nhân hợp pháp trước nhất là hôn nhân tự nguyện, gắn bó giữa nam và nữ. Bên cạnh các yếu tố tự nguyện, gắn bó, để kết hôn giữa nam và nữ còn phải tuân thủ các điều kiện kết hôn khác. Một trong số đó là việc kết hôn không thuộc và một trong số các trường hợp bị cấm kết hôn. Vậy, đối với trường hợp hai người chung cụ có được kết hôn không? Đón đọc bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc.
1. Kết hôn là gì?
“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.” – trích khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, để xác định việc hai người có kết hôn được hay không chúng ta cần phải xem xét dựa trên 02 yếu tố: điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, để xác định hai người chung cụ có kết hôn được hay không thì chủ yếu cần xem xét tới yếu tố về điều kiện kết hôn.
2. Điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn, theo đó, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Căn cứ quy định trên, nam và nữ có đủ điều kiện kết hôn khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Một là, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Hai là, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Ba là, không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Bốn là, việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo đó, hai người chung cụ muốn kết hôn, trước hết nam và nữ phải đáp ứng được ba điều kiện để kết hôn là về độ tuổi, về năng lực hành vi dân sự và cả hai phải tự nguyện kết hôn mà không bị ai ép buộc. Điều kiện cuối cùng là kết hôn mà không thuộc một trong số những điều cấm của pháp luật về điều kiện kết hôn.
Bên cạnh đó, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính hiện nay Nhà nước không thừa nhận.
3. Hai người chung cụ có được kết hôn không?
Cụ thể, trong trường hợp hai người cùng cụ muốn kết hôn cần xét tới quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
“d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Dẫn chiếu tới đến khoản 17, khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“17. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
18. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”
Theo quy định trên, giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thuộc trường hợp cấm kết hôn. Để xác định hai người chung cụ thuộc quan hệ huyết thống đời thứ bao nhiêu thì có thể ví dụ cụ thể như sau:
- Đời thứ nhất: Cụ chung của người nam và người nữ
- Đời thứ hai: Ông/bà của người nam và ông/bà của nữ
- Đời thứ ba: Bố/mẹ của người nam và bố/mẹ của người nữ
- Đời thứ tư: Người nam và người nữ muốn kết hôn.
Như vậy, hai người chung cụ có quan hệ huyết thống được tính là đời thứ tư và theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 sẽ không thuộc trường hợp cấm kết hôn vì cùng trực hệ trong phạm vi ba đời và hoàn toàn có quyền được kết hôn với nhau.
Bài viết trên đã trả lời cho câu hỏi: Hai người chung cụ có được kết hôn?. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Hùng Sơn, tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6518 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
- Thủ tục làm sổ đỏ mới nhất 2023: Cần giấy tờ gì? Chi phí bao nhiêu? - 11/09/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 10/09/2023
- Thủ tục đăng ký website với bộ công thương mới nhất - 10/09/2023