Nộp thuế là nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức đối với nhà nước và xã hội. Giấy chứng nhận đăng ký thuế là một trong những hồ sơ quan trọng của cá nhân, doanh nghiệp. Đây là công cụ để nhà nước quản lý, theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ của các cá nhân, doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký thuế là gì?
Căn cứ pháp lý:
- Luật quản lý thuế 2019;
- Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý thuế;
- Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo quy định của Luật quản lý thuế 2019, Giấy chứng nhận đăng ký thuế là giấy tờ cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế đã thực hiện thủ tục đăng ký thuế theo quy định.. Trên giấy chứng nhận đăng ký thuế bao gồm các loại thông tin:
- Tên người nộp thuế/Tổ chức nộp thuế;
- Mã số thuế. Mã số thuế là một tập hợp các chữ số (gồm 10 hoặc 13 số) và ký tự khác.
- Số, ngày cấp của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy phép thành lập và hoạt động/giấy chứng nhận đầu tư đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh;
- Số, ngày cấp cấp của quyết định thành lập đối với các tổ chức không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh;
- Số giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND/CCCD/Hộ chiếu) đối với cá nhân không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh.
- Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Đối tượng đăng ký thuế là gì?
Tại Khoản 1 Điều 30 Luật quản lý thuế hiện hành, quy định về đối tượng đăng ký thuế như sau:
“1. Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:
a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Chiếu theo quy định trên có thể hiểu: Giấy chứng nhận đăng ký thuế là một loại giấy chứng nhận được cấp cho các đối tượng có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Cụ thể gồm 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp; Nhóm thứ 2 là các đối tượng không thuộc nhóm thứ nhất.
Ngoài ra, việc cấp mã số thuế được quy định cụ thể với mỗi đối tượng khác nhau. Đối với doanh nghiệp, tổ chức chỉ có duy nhất 1 mã số thuế được cấp trong toàn bộ quá trình hoạt động; Mỗi cá nhân chỉ có 1 mã số thuế duy nhất trong suốt cuộc đời.
Thủ tục đăng ký thuế không chỉ bao gồm thủ tục đăng ký thuế lần đầu mà còn các thủ tục khác khi có các sự kiện phát sinh như người nộp thuế thay đổi thông tin đăng ký thuế; người nộp thuế tạm ngừng hoạt động… Tùy vào từng sự kiện thực tế phát sinh, người nộp thuế sẽ thực hiện các thủ tục tương ứng, như: Thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế; Thông báo tạm dừng kinh doanh; Chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Khôi phục mã số thuế (sau khi tạm dừng).
Quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi hướng dẫn bạn đọc thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế- thủ tục đăng ký thuế lần đầu.
Hồ sơ
Để xác định thành phần hồ sơ cần nộp khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế, cần xác định nhóm đối tượng nộp thuế. Tại Điều 31 Luật quản lý thuế 2019 có quy định cụ thể:
Nhóm 1: Đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với thủ tục đăng ký kinh doanh (bao gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thành lập Hợp tác xã,..) thì hồ sơ đăng ký kinh doanh đồng thời là hồ sơ đăng ký thuế;
Nhóm 2: Đối với người nộp thuế là tổ chức đăng ký thuế trực tiếp, thì hồ sơ đăng ký thuế gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế;
- Bản sao giấy tờ chứng minh sự thành lập/hoạt động;
- Các tài liệu khác liên quan/Tài liệu được cơ quan thuế yêu cầu.
Nhóm 3: Đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, thì hồ sơ đăng ký thuế gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế;
- Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân;
- Các tài liệu khác liên quan/Tài liệu được cơ quan thuế yêu cầu.
Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu
Căn cứ Điều 32 Luật quản lý thuế, sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ đăng ký thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ tại địa điểm sau:
Nhóm A: Đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với thủ tục đăng ký kinh doanh (bao gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thành lập Hợp tác xã,..) thì địa điểm nộp hồ sơ đồng thời là địa điểm nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh;
Nhóm B: Đối với người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì địa điểm nộp hồ sơ được chia ra:
- Cơ quan thuế nơi tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trụ sở- Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
- Cơ quan thuế quản lý trực tiếp- Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay;
- Cơ quan thuế nơi phát sinh thu nhập chịu thuế hoặc nơi đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi phát sinh nghĩa vụ với ngân sách- Đối với cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh.
Nhóm C: Đối với cá nhân ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập thì nộp hồ sơ thông qua cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập.
Thời gian đăng ký thuế lần đầu
Căn cứ Điều 33 Luật quản lý thuế 2019, thời hạn để nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu như sau:
Nhóm A: Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh đồng thời là thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thuế;
Nhóm B và Nhóm C: Thời hạn 10 ngày làm việc, mỗi nhóm đối tượng sẽ có ngày căn cứ tính thời hạn khác nhau, như: 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép hoạt động, quyết định thành lập; 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động thực tế đối với các tổ chức không thuộc trường hợp đăng ký kinh doanh hoặc các trường hợp thuộc diện phải đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế, nộp thuế thay; 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, phát sinh yêu cầu được hoàn thuế, phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ đăng ký thuế tiến hành thủ tục tại cơ quan thuế. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan thuế sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Cơ quan thuế thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong các trường hợp như: Cá nhân ủy quyền cho người chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho cá nhân đó; Cá nhân thực hiện đăng ký thuế bằng hồ sơ khai thuế; Cá nhân, tổ chức đăng ký thuế nhằm mục đích khấu trừ và nộp thuế thay; Cá nhân đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
Trên đây là những thông tin cơ bản về “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” và các nội dung liên quan. Nếu cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng để lại thông tin tại phần bình luận hoặc liên hệ trực tiếp đến Tổng đài 1900.6518 để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng.