Ly thân là gì? Thường được nhắc tới khi chỉ mối quan hệ giữa vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn nhưng chưa tới mức ly hôn. Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định như thế nào về vấn đề “ly thân”? Liệu ly thân có được thừa nhận hay được coi là một biện pháp để giải quyết các tình huống trong hôn nhân? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu và giải đáp câu hỏi: “Có nên ly thân trước khi ly hôn không?”
Ly thân là gì?
Ly thân là cụm từ được nhắc đến để ám chỉ tình trạng mối quan hệ giữa vợ và chồng khi chưa ly hôn nhưng cũng không còn tình cảm, không còn sự quan tâm như trước. Pháp luật có định nghĩa cụ thể nào về ly thân hay không?
Câu trả lời là không. Thuật ngữ được sử dụng thường xuyên, khi nhắc tới có thể ai cũng hiểu tình trạng của một cặp vợ chồng trong giai đoạn “ly thân” là gì. Nhưng để đi tìm quy định trong luật thì không tồn tại khái niệm “ly thân là gì”.
Về mặt thực tế, tình trạng “ly thân” là một giải pháp mà vợ và chồng tự thỏa thuận trong thời kỳ hôn nhân. Hiện nay, có rất nhiều cặp vợ chồng lựa chọn sống ly thân, có thể sống chung hoặc không sống chung nhưng hạn chế giao tiếp, va chạm, không sinh hoạt chung, không quan hệ tình dục.. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý nhưng vẫn tạo cơ hội cho hai người có đời sống riêng.
Về mặt pháp lý, không tồn tại thuật ngữ pháp lý “ly thân” và cũng không có thuật ngữ nào mang nghĩa tương đương.
Nhìn nhận “ly thân” dưới nhiều góc độ cho thấy giải pháp “ly thân” trong quan hệ vợ chồng có cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Tích cực ở điểm thời gian “ly thân” có thể giúp giảm xuống không khí căng thẳng giữa hai người. Thời gian ly thân là lúc hai bên cùng tự nhìn nhận lại những gì đã xảy ra, từ đó có thể tha thứ cho nhau và đoàn tụ. Tuy vậy, không phải trường hợp nào chọn ly thân cũng là giải pháp tốt. Đôi khi ly thân là phương án tiêu cực khiến tình hình căng thẳng trở nên trầm trọng, những hiểu lầm không nên có lại càng nhiều hơn.
“Ly thân” không phải giai đoạn “tiền ly hôn” và cũng không phải “ly hôn” như nhiều người lầm tưởng. Ly thân là một trạng thái trong một mối quan hệ vợ chồng còn ly hôn là sự kiện chấm dứt mối quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý.
Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn đơn phương hay nói chính xác hơn theo thuật ngữ pháp lý là “Ly hôn theo yêu cầu của một bên”. Đây là một trong hai hình thức ly hôn hiện nay: Thuận tình ly hôn và Ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Nếu thuận tình ly hôn là việc ly hôn dựa trên sự đồng thuận, thống nhất giữa vợ và chồng về các vấn đề ly hôn, vấn đề tài sản, vấn đề nuôi con.. thì ly hôn đơn phương là việc một trong hai bên vợ/chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Theo đó, trường hợp một, các căn cứ để vợ hoặc chồng có thể đơn phương ly hôn, gồm: Chồng/vợ có hành vi bạo lực gia đình; Chồng/vợ vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ dẫn đến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích của hôn nhân không đạt được. Hành vi xâm phạm quyền, nghĩa vụ có thể bao gồm: Xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tinh thần…
Với trường hợp 1, người được quyền yêu cầu ly hôn đơn phương bao gồm 2 nhóm đối tượng: Một là vợ, chồng hoặc cả vợ và chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn; Hai là bố, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn khi một bên do bị bệnh dẫn đến không thể nhận thức, làm chủ hành vi và đồng thời là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do chồng/vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014):
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Trường hợp thứ hai có thể yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương là khi vợ hoặc chồng của người bị Tuyên bố là mất tích yêu cầu ly hôn. Xét thấy đầy đủ cơ sở, căn cứ thì Toà án giải quyết việc ly hôn.
Có nên ly thân trước khi ly hôn không?
Như đã phân tích, ly thân không phải bước đệm hay tiền đề cho ly hôn và khẳng định ly thân không phải là ly hôn. Do đó, không có bất cứ một quy định nào bắt buộc trước khi ly hôn phải trải qua giai đoạn ly thân. Tuy nhiên nếu để trả lời hay đưa ra lời khuyên cho câu hỏi: “Có nên ly thân trước khi ly hôn không” cần tham khảo những phân tích sau:
Ly thân là giai đoạn để hai bên cùng nguôi ngoai cơn giận dành cho đối phương. Một quy luật của tâm lý đề cập rằng, mọi trạng thái cảm xúc của con người đều có chiều hướng giảm dần theo thời gian. Và tất nhiên, sự tức giận, sự ghen tuông, sự thù hận cũng không nằm ngoài quy luật tâm lý ấy. Trong thang điểm 10 của cơn nóng giận, nếu thời điểm xung đột xảy ra điểm tức giận là 10 thì sau một thời gian đủ dài, có lẽ cơn giận ấy chỉ còn đến 6, đến 5 mà thậm chí là đã về 0.
Thực tế đúc rút rằng, không nên đưa ra bất cứ một quyết định gì khi trong lòng có một cơn giận. Mà quyết định về việc “ly hôn” thì lại càng phải “đợi” cơn giận đi qua rồi mới suy xét, đong đếm nên hay không. Nếu hai người cùng cho nhau một quãng thời gian “ly thân”- tạm xa nhau để suy ngẫm lại những điều đã qua. Điều tiêu cực, điều tích cực, những niềm vui, nỗi buồn đã cùng trải qua. Khi đã bình tâm, quyết định đưa ra mới chính xác và không để bản thân mỗi người hối tiếc.
Tất nhiên, khoảng thời gian đó phải không quá dài, và cũng đủ để suy nghĩ thấu đáo. Nếu ly thân kéo dài cả năm đến vài năm thì có thể mâu thuẫn sẽ càng sâu và khoảng cách giữa vợ, chồng càng xa. Hoặc thời gian là vài ngày thì khó để đủ cho một cơn giận đi xuôi. Cho nhau một khoảng thời gian bình tĩnh trước cơn giận nhất thời, đợi khi bình tâm lại nếu cả hai vẫn muốn ly hôn thì khi đó, quyết định kết thúc vẫn không phải muộn. Nhưng nếu ly thân giúp hai người bình tâm và hàn gắn như mục đích ban đầu của hôn nhân, thì vừa hay giữ được một mối quan hệ vợ, chồng.
4. Điều kiện chia tài sản khi ly hôn đơn phương
Khi giải quyết việc ly hôn, khi có yêu cầu hoặc hai bên không thể thống nhất được. Khi đó Toà án sẽ giải quyết, phân chia vấn đề về con cái và vấn đề tài sản của vợ, chồng.
Tại Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Theo đó, nếu tài sản đã được phân chia trước đó theo thoả thuận về tài sản của vợ và chồng thì giải quyết tài sản áp dụng theo thoả thuận đó. Tuy nhiên, thực tế không phải thoả thuận song phương nào cũng rõ ràng, với tài sản trước và trong thời kỳ hôn nhân cũng vậy. Trường hợp thỏa thuận hai bên không đủ rõ ràng thì áp dụng các quy định của luật để phân chia tài sản.
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Ngoài ra, khi tiến hành phân chia tài sản của vợ và chồng. Toà án còn dựa vào các yếu tố sau đây để phân chia cho phù hợp và đảm bảo quyền, lợi ích các bên:
- Hoàn cảnh gia đình; hoàn cảnh của từng người vợ và chồng là tình trạng của vợ, chồng và các thành viên khác trong gia đình về: Năng lực hành vi, sức khoẻ, tài sản, khả năng lao động để tạo ra thu nhập sau khi vợ, chồng ly hôn;
- Công sức của mỗi bên trong tạo lập, duy trì, phát triển tài sản. Là những đóng góp chung về tài sản, thu nhập, lao động của vợ, chồng. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc gia đình, con cái được tính là lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích của mỗi bên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện để mỗi bên tiếp tục lao động, sản xuất tạo ra thu nhập.;
- Yếu tố lỗi của các bên nếu có vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chẳng hạn, người vợ có hành vi ngoại tình, bỏ bê gia đình, con cái thì khi giải quyết ly hôn, Tòa sẽ cân nhắc yếu tố lỗi của người vợ khi phân chia tài sản, phân quyền nuôi con để đảm bảo quyền lợi của vợ, chồng và các con.
“3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.”
Chẳng hạn, tài sản chung có 1 xe ô tô trị giá 500 triệu được người chồng sử dụng vào công việc chạy xe và cho thuê xe; Một mặt bằng kinh doanh trị giá 400 triệu đồng được vợ sử dụng kinh doanh. Khi phân chia tài sản, để đảm bảo hai bên có thể duy trì công việc lao động, kinh doanh và căn cứ vào nhu cầu của các bên. Có thể giao người chồng chiếc xe; giao người vợ mặt bằng kinh doanh và người chồng có nghĩa vụ thanh toán cho người vợ phần giá trị chênh lệch là 50 triệu đồng.
“4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.”
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”
Việc phân tách rạch ròi giữa tài sản chung, tài sản riêng là cơ sở để phân chia chính xác và công bằng với thực tế hiện nay. Với khối tài sản được tạo dựng bằng công sức đóng góp chung thì phải được phân chia công bằng, và với khối tài sản riêng thì phải đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu khối tài sản riêng đó.
“5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Trên cơ sở phân chia tài sản cũng phải tuân thủ nguyên tắc để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quyết định ly hôn.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”
Thủ tục ly hôn đơn phương trọn gói tại Luật Hùng Sơn
Với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm, Luật Hùng Sơn tự tin về khả năng và nghiệp vụ chuyên môn để hỗ trợ khách hàng trong các dịch vụ pháp lý về hôn nhân và gia đình. Sử dụng dịch vụ ly hôn đơn phương trọn gói tại Luật Hùng Sơn sẽ giải quyết ngay lập tức những vấn đề của bạn đang gặp phải trong thời gian ngắn nhất, với chi phí hợp lý nhất.
Đơn phương ly hôn là thủ tục tương đối phức tạp bởi có những tranh chấp giữa vợ, chồng về vấn đề ly hôn, về con cái, về tài sản. Do đó, thường phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết. Vì lẽ đó, khách hàng cần một đơn vị tư vấn uy tín, đáng tin cậy và có chuyên môn cao để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu cần tư vấn và cho lời khuyên, vui lòng để lại thông tin tại bài viết này. Hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn của Luật Hùng Sơn: 1900.6518 để được hỗ trợ nhanh nhất.