Ở phần II này, bạn đọc hãy cùng Luật Hùng Sơn đi sâu vào tìm hiểu các điều kiện khác để chi phí thuê xe cá nhân được hợp lý, hợp lệ và hợp pháp nhé.
Thông tư 96/2015/TT-BTC có quy định về việc chi phí thuê tài sản của cá nhân sẽ không được tính là chi phí được trừ nếu không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ như sau:
“Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.”
Như vậy, ngoài tiền thuê xe cá nhân (căn cứ vào chứng từ trả tiền thuê xe hàng tháng), doanh nghiệp sẽ được tính vào chi phí các khoản thuế doanh nghiệp nộp thay cho cá nhân (nếu hợp đồng quy định doanh nghiệp nộp thay cá nhân và doanh nghiệp có đầy đủ chứng từ nộp thuế thay).
Chúng ta sẽ có 2 trường hợp để xét xem có các loại thuế nộp thay là những loại thuế nào để tính vào chi phí công ty.
1. Cá nhân cho thuê xe có tổng mức doanh thu từ việc cho thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/năm:
a) Lệ phí môn bài:
Điều 3. Miễn lệ phí môn bài trong Nghị định 139/2016/NĐ-CP có quy định Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống là trường hợp được miễn lệ phí môn bài.
Do vậy, nếu cá nhân cho thuê xe có tổng mức doanh thu từ việc cho thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/năm thuộc diện miễn lệ phí môn bài.
b) Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân:
Điều 7 Thông tư 119/2014/TT-BTC có quy định như sau:
“hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ một trăm triệu đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình một tháng trong năm từ 8,4 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN..”
Như vậy, cá nhân trong trường hợp có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Kết luận: Doanh nghiệp không cần nộp thay lệ phí môn bài, thuế GTGT cũng như thuế TNCN cho cá nhân cho thuê xe.
Trong trường hợp này, căn cứ để tính chi phí thuê xe vào chi phí doanh nghiệp là hợp đồng thuê xe và chứng từ trả tiền thuê.
2. Cá nhân cho thuê xe có tổng mức doanh thu từ việc cho thuê tài sản từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm:
a) Lệ phí môn bài:
Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2020 chỉ quy định thêm so với Nghị định 139/2016/NĐ-CP trường hợp được miễn lệ phí môn bài bao gồm: “hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Như vậy, cá nhân cho thuê xe nếu lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn trường hợp cá nhân này đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước đó và có doanh thu từ việc cho thuê xe từ 100 triệu trở lên hàng năm thì vẫn cần nộp lệ phí môn bài.
Cụ thể, mức nộp lệ phí môn bài bạn đọc tham khảo tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP hướng dẫn về lệ phí môn bài và bổ sung tại điểm a, khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP.
Lưu ý rằng doanh nghiệp có nộp thay lệ phí môn bài cho cá nhân cho thuê xe theo hợp đồng thì khoản nộp thay này cũng không được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp (Vì Thông tư 96/2015/TT-BTC chỉ quy định được đưa vào chi phí hợp lý khoản nộp thay thuế GTGT và thuế TNCN).
b) Thuế giá trị gia tăng:
Nếu trong hợp đồng thuê xe quy định doanh nghiệp nộp thay thuế giá trị gia tăng cho cá nhân thì doanh nghiệp cần tính và nộp thuế này thay cho cá nhân với mức thuế suất 5% trên doanh thu (theo như đã phân tích trong bài viết Chi phí thuê xe cá nhân-phần I).
c) Thuế thu nhập cá nhân:
Điều 2, khoản 7, Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, cụ thể:
“Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.”
Thuế suất đối với thu nhập từ “hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp: 5%”
Như vậy, nếu doanh nghiệp nộp thay cá nhân thì sẽ tính nộp 5% trên doanh thu cho thuê xe của cá nhân.
Chi phí xăng xe, sửa chữa và lương lái xe (nếu có) có được tính vào chi phí hợp lý khi doanh nghiệp đi thuê xe không?
Đi liền với việc thuê xe, doanh nghiệp sẽ cần chi trả tiền xăng xe, sửa chữa, lương lái xe (nếu có). Tuy nhiên, để các chi phí này hợp lý, hợp lệ, hợp đồng thuê xe cần thể hiện rõ các chi phí này không bao gồm trong tiền thuê xe và doanh nghiệp tự chi trả trong quá trình thuê.
Đồng thời, doanh nghiệp cần lưu trữ đầy đủ các hóa đơn xăng xe, sửa chữa, bảng lương và hợp đồng với lái xe (nếu có) để giải trình với cơ quan thuế về các khoản chi này. Bên cạnh đó, các công ty cũng cần lưu ý chi phí xăng dầu cũng cần phù hợp với định mức nhiên liệu nhà sản xuất đưa ra.
Tóm lại, qua 02 phần bài viết “Cách đưa chi phí thuê xe cá nhân vào chi phí của doanh nghiệp”, Luật Hùng Sơn đã chỉ ra những điều cần lưu ý để chi phí thuê xe của công ty trở thành chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Hi vọng các bài viết này bổ ích và nhận được sự quan tâm của bạn đọc.
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Sau ly hôn phụ nữ nên làm gì? 5 điều Nhất Định phải làm - 27/05/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/05/2023