logo

Thông tư 151/2016/TT-BTC

Thông tư 151/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 93/2015/NĐ-CP.

Quảng cáo

 

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 151/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 93/2015/NĐ-CP NGÀY 15/10/2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 6 Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là Nghị định số 93/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Người lao động tại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 3. Cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Trong quá trình hoạt động, ngoài những quy định của nhà nước về đầu tư thành lập doanh nghiệp, quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ tài chính sau:

1. Được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý và sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

a) Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh báo cáo tổng diện tích đất đã được nhà nước giao, diện tích đất doanh nghiệp được thuê và sử dụng, trong đó có diện tích đất cần thiết sử dụng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (có xác nhận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) gửi cơ quan thuế địa phương.

Căn cứ báo cáo của doanh nghiệp đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế thông báo cho doanh nghiệp diện tích đất được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và diện tích đất phải nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Hồ sơ, thủ tục để miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất thực hiện theo quy định của các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai hiện hành.

Trường hợp có biến động hoặc có thay đổi về diện tích đất sử dụng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sau khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thông báo cơ quan thuế để điều chỉnh cho phù hợp.

b) Đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ) bao gồm:

a) Chi phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu.

b) Chi bảo đảm quân trang cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sỹ quan, công nhân công an. Mức chi theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

c) Thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành.

d) Chi cho công tác quốc phòng, an ninh công tác phục vụ quốc phòng, an ninh, quan hệ quân dân bao gồm chi hỗ trợ cho công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng như: đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc với thời gian không quá 06 tháng; xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Được nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất sản phẩm trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.

– Điều kiện được hỗ trợ kinh phí để duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành và hỗ trợ lương cho số lượng lao động tối thiểu (lao động trong biên chế trực tiếp) trên dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất theo kế hoạch năm được cấp có thẩm quyền giao mà doanh nghiệp quốc phòng, an ninh không có khả năng tự bù đắp chi phí.

– Việc hỗ trợ lương cho lao động trực tiếp trên dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh trong thời gian tạm ngừng sản xuất với điều kiện lương thực lĩnh của người lao động thấp hơn tiền lương theo bậc lương (bậc thợ) hiện hưởng và tiền lương tối thiểu theo quy định của nhà nước.

– Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đối với việc hỗ trợ kinh phí duy trì, bảo dưỡng sửa chữa và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền tạm ngừng sản xuất, bao gồm:

Văn bản đề nghị của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh về hỗ trợ kinh phí duy trì, bảo dưỡng sửa chữa và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền tạm ngừng sản xuất theo kế hoạch trong năm được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt; quyết định của cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng, an ninh trong năm; quyết định phê duyệt về số lượng dây chuyền (đối với các dây chuyền mới đưa vào hoạt động), thời gian tạm ngừng sản xuất trong năm của cấp có thẩm quyền.

4. Hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi:

Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Quảng cáo

Hàng năm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng lợi nhuận sau thuế sau khi trích quỹ đầu tư phát triển và trích lập 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, trường hợp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích quỹ đầu tư phát triển nhưng không đủ nguồn để trích lập 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo mức quy định (theo kết quả xếp loại doanh nghiệp A, B, C), phần trích quỹ còn thiếu được nhà nước hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 2 (hai) tháng lương thực hiện trong năm (không bao gồm tiền lương cho thời gian tạm ngừng sản xuất quy định tại khoản 3 Điều này).

5. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập:

a) Điều kiện được hỗ trợ:

Cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quản lý đóng trên địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập phải được Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nơi doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đóng trụ sở xác nhận.

b) Nội dung và mức kinh phí hỗ trợ:

– Hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học không quá 200.000.000 đồng/lớp (đối với cơ sở chưa được đầu tư trang bị). Trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được sửa chữa và bổ sung thì mức hỗ trợ không quá 30.000.000 đồng/lớp/năm.

– Hỗ trợ kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ quy định khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo quy định hiện hành của nhà nước đối với địa bàn doanh nghiệp đang hoạt động (bao gồm cả giáo viên, cô nuôi dạy trẻ hoạt động tại các Đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).

6. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá, cụ thể:

a) Điều kiện được hỗ trợ:

Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đóng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, ở xa các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của nhà nước cần phải duy trì bệnh xá và được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt.

b) Nội dung và mức kinh phí hỗ trợ:

– Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 300.000.000 đồng/ 1 bệnh xá dưới 10 giường bệnh; 400.000.000 đồng/ 1 bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh và 500.000.000 đồng /1 bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.

– Kinh phí chi thường xuyên đối với bệnh xá đang hoạt động:

+ Hỗ trợ kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế, căn cứ vào số thực chi của năm trước của đơn vị để xác định mức đảm bảo cho năm sau (bao gồm cả nhân viên y tế hoạt động tại các Đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).

+ Kinh phí mua thuốc khám chữa bệnh cho dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở cách xa trung tâm y tế huyện theo mức chi thực tế nhưng tối đa không quá 70.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 80.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 100.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.

– Kinh phí chi thường xuyên đối với bệnh xá mới thành lập: mức hỗ trợ căn cứ vào dự toán chi thường xuyên cho hoạt động y tế của doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh xá, có thể tham khảo, vận dụng mức chi thường xuyên của các cơ sở y tế cùng loại, cùng quy mô trên địa bàn doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hoạt động.

Điều 4. Chế độ, chính sách của người lao động trong doanh nghiệp quốc phòng, an ninh:

1. Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và hạ sỹ quan được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định hiện hành về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công theo quy định của pháp luật về người có công; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Mục 2. LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ

Điều 5. Lập dự toán và cấp kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Định kỳ hàng năm cùng thời gian Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng được hỗ trợ tài chính lập dự toán chi tiết theo từng nội dung quy định tại Thông tư này báo cáo cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thẩm định và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính căn cứ vào báo cáo tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo của Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thực hiện phân bổ chi tiết nhiệm vụ chi hỗ trợ cho từng doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo từng nội dung quy định tại Thông tư này, gửi Bộ Tài chính thẩm định làm căn cứ thực hiện cấp phát theo quy định hiện hành; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện cấp phát kinh phí cho các doanh nghiệp bằng hình thức rút dự toán.

Riêng đối với khoản chi hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi: Hàng năm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện quyết toán tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Căn cứ kết quả xếp loại, doanh nghiệp thực hiện trích lập 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi. Trường hợp nguồn lợi nhuận còn lại để trích 2 quỹ còn thiếu, doanh nghiệp có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thẩm định. Trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm định và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi. Bộ Tài chính thẩm định và cấp phát trực tiếp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh bằng lệnh chi tiền theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Điều 6. Thanh quyết toán kinh phí

1. Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được hỗ trợ kinh phí phải thực hiện lập báo cáo tài chính theo quy định hiện hành, trong đó có báo cáo quyết toán việc sử dụng kinh phí được hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

2. Hàng năm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng kinh phí hỗ trợ và kiểm tra quyết toán việc sử dụng kinh phí hỗ trợ theo chế độ quy định của nhà nước và quy định tại Thông tư này (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tham gia khi có yêu cầu).

Trường hợp doanh nghiệp chi sai chế độ quy định hoặc vượt mức chi quy định thì cơ quan tài chính xử lý xuất toán khoản đã chi không đúng quy định. Người quyết định chi sai phải bồi thường và tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này bãi bỏ Thông tư Liên tịch số 141/2012/TTLT-BTC-BQP- BCA ngày 22/8/2012 của Bộ Tài chính – Bộ Quốc phòng – Bộ Công An hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh tại Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ và áp dụng từ năm ngân sách 2016 trở đi.

2. Ngoài việc thực hiện những quy định tại Thông tư này, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh còn phải thực hiện các quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi./.

 

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó TTCP;
– VPTW và các Ban của Đảng;
– VP Quốc Hội;
– VP Chủ tịch nước;
– VP Chính phủ;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Website Chính phủ; Công báo;
– VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
– Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Các Tập đoàn kinh tế nhà nước; Các Tổng công ty Nhà nước; VCCI; Hội kế toán và Kiểm toán VN; Hội Kiểm toán viên hành nghề VN;
– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
– Website Bộ Tài chính;
– Lưu: VT, Cục TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG

Trần Văn Hiếu

Vui lòng đánh giá!
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn