Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Vậy những việc kế toán cần làm trong tháng 8/2020 có gì thay đổi không? Dưới đây là tổng hợp những công việc kế toán cần làm trong tháng 08/2020 theo quy định mới của pháp luật được Luật Hùng Sơn trình bày theo quy trình thời gian và công việc tương ứng cụ thể.
Thứ nhất, kế toán cần thực hiện thông báo về tình hình biến động lao động tháng 07/2020 (nếu có) trước ngày 03/08/2020
Trong trường hợp trong tháng 07/2020 có sự biến động (tăng hoặc giảm) về số lượng người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì trước ngày 03/08/2020, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Trong trường hợp doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có sự thay đổi về lao động trong tháng 07/2020 thì kế toán không cần thực hiện việc thông báo về tình hình biến động lao động.
Thứ hai, nếu doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng thì kế toán phải thực hiện lập và nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 07/2020 chậm nhất là ngày 20/8/2020
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, kế toán cũng phải thực hiện lập và nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, cụ thể là tháng 07/2020 cho cơ quan thuế. Kế toán có thể thực hiện nộp bằng một trong hai phương thức là nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến, lưu ý về thời gian khác nhau của hai phương thức này. Nếu nộp trực tiếp thì không bao gồm ngày nghỉ và ngày lễ còn đối với phương thức nộp trực tuyến thì thời gian nộp là 24/7 và bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Thứ ba, nếu doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng thì kế toán phải thực hiện lập và nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 07/2020 chậm nhất là ngày 20/8/2020
Tương tự như trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, trường hợp trong tháng 07/2020 mà doanh nghiệp phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải thực hiện khai thuế. Hiện tại, theo quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực từ tháng 7/2020, kế toán sẽ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới khi tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo đó, kỳ lương tháng 7/2020 sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ mới cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng đối với mỗi người phụ thuộc.
Ngược lại, trường hợp trong tháng 07/2020, doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của bất kỳ nhân viên nào thì kế toán không phải thực hiện khai thuế.
Thứ tư, kế toán thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 07/2020 với hạn cuối là ngày 20/8/2020 đối với một số doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và được hướng dẫn cụ thể hơn nữa bởi Mục III Công văn 2010/TCT-TVQT năm 2014 thì các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 07/2020 là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế.
Hết thời hạn trên, cơ quan thuế kiểm tra việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và tình hình kê khai, nộp thuế để thông báo doanh nghiệp chuyển sang Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý. Trường hợp chưa có thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp tiếp tục báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.
Thứ năm, kế toán thực hiện trích nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tháng 08/2020 với hạn cuối là ngày 31/8/2020
Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Kế toán phải thực hiện việc trích tiền trên quỹ tiền lương tháng của người lao động để nộp cho cơ quan bảo hiểm cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trong trường hợp kế toán thực hiện chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo thời hạn luật định từ 30 ngày trở lên thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm đóng thêm số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng, bên cạnh khoản tiền bảo hiểm phải đóng.
Thứ sáu, kế toán thực hiện trích nộp kinh phí Công đoàn tháng 08/2020 với hạn cuối là ngày 31/08/2020
Song song với nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì hàng tháng, doanh nghiệp cũng phải đóng kinh phí Công đoàn cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Pháp luật quy định rằng dù doanh nghiệp có hay chưa có tổ chức Công đoàn thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ này. Theo đó, kế toán vào tháng 8 cần làm trích nộp kinh phí Công đoàn với mức đóng kinh phí là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Như vậy, trên đây là tổng hợp 06 việc mà kế toán cần làm trong tháng 08/2020 theo quy định mới nhất của pháp luật mà Luật Hùng Sơn muốn gửi thông tin đến bạn. Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ tốt hơn thì vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.
Trân trọng./.